22.9.11

Bảo tồn nhà cổ Bạc Liêu: Trông vào khai thác du lịch


Một ngôi nhà cổ hoang phế, không ai quản lý tại TP.Bạc Liêu.                     Ảnh: N.H
Một ngôi nhà cổ hoang phế, không ai quản lý tại TP.Bạc Liêu. Ảnh: N.H

Lần đầu tiên giá trị lịch sử, văn hóa và cả kinh tế của những ngôi nhà cổ tại tỉnh Bạc Liêu được đem ra mổ xẻ tại một hội thảo khoa học. Giá trị của những ngôi nhà cổ thêm một lần nữa được tôn vinh. Lần này hầu hết các ý kiến đều cho rằng nên khai thác nhà cổ theo nhiều hướng thay vì làm theo đúng Luật Di sản là xếp hạng, rồi để đó.

Độc đáo những ngôi nhà trăm năm
Bạc Liêu là vùng đất mới so với các tỉnh ĐBSCL. Vì vậy, những ngôi nhà có niên đại trăm năm không nhiều. Nhưng tất cả đều có lịch sử riêng biệt, gắn với những huyền thoại về chủ nhân của nó. Trong 21 ngôi nhà cổ được Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã và đang lập danh sách đề nghị bảo tồn, mỗi căn phản ánh một nét riêng mà xâu chuỗi lại sẽ làm hiện lên vùng đất Bạc Liêu một thời trù phú và không kém phần xa hoa.
Phủ thờ dòng họ Cao Triều là ngôi nhà của nhà trí sĩ yêu nước, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên Cao Triều Phát. Xuất thân từ dòng dõi quý tộc, cha làm quan, Cao Triều Phát thừa hưởng những tinh túy của bậc hiền nhân phương Đông và sự hiện đại của phương Tây. Vì vậy, kiến trúc của ngôi nhà vừa mang nét cổ kính, vừa hiện đại. Tại đây, đã chứng kiến biết bao biến cố của thời cuộc và vẻ đẹp kiến trúc vẫn còn là đề tài nghiên cứu của nhiều người.

Bản thân ngôi nhà của đại điền chủ Trần Trinh Trạch, thân sinh “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy so với hiện tại thì không đẹp, thiếu độc đáo, tuy nhiên, đặt vào bối cảnh năm 1918, khi Bạc Liêu còn là vùng đất khó, việc tại tỉnh lỵ có một ngôi nhà tường, kiến trúc kiểu Pháp do kiến trúc sư người Pháp xây dựng là điều lạ đối với hầu hết tá điền. Không phải ngẫu nhiên mà ngôi nhà này có lượng khách tham quan nhiều nhất tỉnh Bạc Liêu.
Ông Lâm Thành Đắc ở Phòng Nghiệp vụ, Sở VHTTDL, cho biết: “Mỗi ngôi nhà cổ tại Bạc Liêu đều gắn với cuộc đời, sự nghiệp của một nhân vật chính trị hay xã hội nào đó. Ngôi nhà của ông Trần Trinh Trạch, nếu không có những truyền thuyết về cuộc đời ăn chơi nổi tiếng của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy thì rất khó thu hút khách tham quan”.
Đó còn là ngôi nhà của cha ruột của bà Trần Lệ Xuân, vợ của ông Ngô Đình Nhu, hiện tại là Thư viện tỉnh Bạc Liêu, vẫn còn khá nguyên vẹn với những nét kiến trúc từ thế kỷ trước, tuy nhiên lượng khách đến tham quan không nhiều, do không ai hướng dẫn đây là ngôi nhà của người đàn bà quyền lực nhất miền Nam dưới chế độ “Việt Nam Cộng hòa” từng sinh sống.
Mở cửa đón khách
Tại buổi hội thảo, kiến trúc sư Trần Khang, người có thời gian dài nghiên cứu nhà cổ tại ĐBSCL, cho rằng, đã đến lúc khôi phục lại giá trị của những ngôi nhà cổ tại tỉnh Bạc Liêu. Công tác lập quy hoạch, kiểm kê của Bạc Liêu rất tốt, nhưng cũng cần làm cho khách tham quan hiểu được giá trị của từng viên gạch, từng cánh cửa vào thời điểm mới xây dựng cũng như hiện tại.
Đồng quan điểm này, ông Đào Bá Hắc, nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đề nghị : “Giá trị của những ngôi nhà cổ Bạc Liêu đã được công nhận. Hiện nay cần phải được bảo quản, bảo tồn tốt để lập phương án khai thác du lịch. Điều quan trọng là làm thế nào để chủ nhân của những ngôi nhà cổ này nhận thức được họ sở hữu một gia tài lớn và gia tài này thật sự đem đến hạnh phúc, tiền bạc cho họ, chớ không phải xếp hạng di tích, rồi... cấm sờ vào hiện vật”.
Hội thảo “Bảo tồn nhà cổ tỉnh Bạc Liêu”.                  Ảnh: N.H
Hội thảo “Bảo tồn nhà cổ tỉnh Bạc Liêu”. Ảnh: N.H
Những ngôi nhà cổ tại Bạc Liêu hiện tại được nhà nước giao cho các đơn vị, tổ chức sử dụng làm trụ sở làm việc. Đơn cử như nhà của một luật sư người Pháp, xây dựng vào năm 1945 rất đẹp, đến năm 1997 gần như vẫn còn nguyên vẹn, khi giao cho Báo Bạc Liêu làm trụ sở, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, hình thù của ngôi nhà cổ đã thật sự biến mất. Hàng loạt ngôi nhà cổ khác được trùng tu theo ý của thủ trưởng đơn vị sử dụng, nét cổ chỉ còn lại một cách mờ nhạt.
Còn một thực tế khác, liệu du khách có được tham quan những ngôi nhà cổ mà hiện tại là trụ sở cơ quan nhà nước như: Báo Bạc Liêu, Ngân hàng Công thương Chi nhánh Bạc Liêu, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trường Nghiệp vụ TDTT, Hội Văn học nghệ thuật ... hay là chỉ đứng xa mà nhìn như ngôi nhà “Công tử Bạc Liêu” hiện nay, bởi có những tấm biển to đùng “Cấm lên cầu thang” do đây là khách sạn.  Mâu thuẫn giữa bảo tồn và du lịch thêm một lần nữa được đặt ra.
Niềm hy vọng mới
Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở VHTTDL Bạc Liêu, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ lập đề án khai thác nhà cổ vào mục đích du lịch. Trước mắt đề nghị Bảo tàng tỉnh phải làm cho được việc bảo vệ chống xuống cấp, chống lấn chiếm nhằm giữ được hiện trạng những ngôi nhà cổ hiện hữu. Hiện nay, chúng tôi đã có đề án phục hồi, khai thác nhà cổ theo hướng du lịch”.
Giá trị của những ngôi nhà cổ tại Bạc Liêu, rồi sẽ được đánh giá đúng với thực trạng. Nhà quản lý hi vọng du lịch sẽ thổi luồng gió mới vào những ngôi nhà này, làm cho những chủ nhân thật sự của nó và du khách cùng hưởng lợi.
Nhật Hồ
theo: laodong.com.vn
***
Đoàn nghiên cứu người Nhật khảo sát 
một số kiến trúc nhà cổ ở Bạc Liêu (03/09/2011)


(BL-CT) Ngày 2/9/2011, hơn 20 thành viên thuộc đoàn nghiên cứu kiến trúc nhà cổ và nhà gỗ người Nhật đã có chuyến thăm và khảo sát một số kiến trúc nhà cổ tại Thư viện tỉnh và khu nhà Công tử Bạc Liêu. Bảo tàng tỉnh đã giới thiệu với đoàn về thời gian xây dựng cũng như một số đặc trưng kiến trúc cổ Đông - Tây của Thư viện tỉnh, kiến trúc kiểu Tây của khu nhà Công tử Bạc Liêu gắn liền với sự thật và những giai thoại về Công tử Bạc Liêu.
Đoàn nghiên cứu người Nhật đã đánh giá cao giá trị của những kiến trúc cổ này. Đồng thời góp ý trong việc địa phương nên giữ gìn và phát huy giá trị của các kiến trúc cổ.
Thư viện tỉnh và nhà Công tử Bạc Liêu là 2 trong số 21 công trình kiến trúc cổ đơn lẻ được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Bạc Liêu.
Trích từ nguồn: http://www.thuvienbaclieu.org.vn





xem thêm: Phát triển du lịch: Cần có những “bứt phá”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét phía ô trên, NÊN đăng nhập tên nhé! nếu không bạn chọn "ẩn danh" nhưng lưu ý NÊN gõ tên người nhận xét để người khác tiện theo dõi, người nhận xét tự chịu trách nhiệm với nội dung của mình, nhận xét có thể bị xoá nếu không phù hợp./.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...