4.9.14

Lịch sử hình thành Bạc Liêu (Pò Léo, Pô Léo, Bò Léo)

bài viết này gởi cho Kim Anh và các bạn



TÌM HIỂU NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA TỪ “BẠC LIÊU”
* Trần Phước Thuận (*)       

          Trong những năm gần đây, địa danh không những đã trở nên một trong những đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học mà cả một số cơ quan nhà nước cũng đặt sự quan tâm. Vấn đề tìm hiểu về địa danh đã tạo được sự chú ý cho nhiều giới, nhiều người. Một số từ điển địa danh và những tác phẩm liên quan đến địa danh đã được xuất bản. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đó cũng còn những vướng mắc, những khó khăn bởi một số tên địa phương chưa truy tìm ra nguồn gốc – chưa biết có xuất xứ từ đâu và ý nghĩa là gì. Bạc Liêu là một trong số này. Qua một thời gian dài, từ Bạc Liêu đã được nhiều người nghiên cứu và tìm hiểu, họ chú ý cả về ngữ nghĩa lẫn từ nguyên, nhưng đến nay cũng chưa được một kết luận nào có chứng minh xác thực, chung quanh từ Bạc Liêu vẫn còn tồn động nhiều ý kiến và giả thuyết khác nhau.



          Theo Nguyễn Lộc Tấn : ”Bạc Liêu theo tiếng Hoa kiều (Triều châu) là Pò léo (薄寮), có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức là chài lưới, đánh cá, làm biển. Theo Á Đông liệt nghề đánh cá là nghề hèn hạ và tệ bạc. Pó () phát âm Việt Nam thành Bạc và Léo () phát âm thành Liêu. Nghề đánh cá thông thường ở Bạc Liêu là đóng đáy, tức là đóng cọc giữa sông, ngay theo lằn nước chảy giăng lưới ngang qua các cọc đó, trong lúc nước ròng, để chận cá vào lưới, nên Bạc Liêu được người địa phương giải thích là Xóm Trại Đáy” (1).

          Nhưng Huỳnh Minh lại giải thích khác hơn : “Danh từ Bạc Liêu đọc theo tiếng Hoa kiều giọng Triều Châu gọi là Pô léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo Hán Việt là Bạc và Léo phát âm thành Liêu. Một thuyết khác cho rằng : Pó là bót, đồn, Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Cao Miên, vì trước khi người Hoa kiều đến đây sinh sống, nơi đó có một đồn binh do người Lào đồn trú. Người Pháp do theo tiếng Triều Châu Pô leo có nghĩa là xóm nghèo làm nghề hạ bạc – như nói ở trên – nên dịch theo nghĩa ấy là Pécheríe Chaume (đánh cá và cỏ tranh)” (2).

          Sơn Nam trong quá trình tìm hiểu về miền Nam đã ghi lại : “...tỉnh Bạc Liêu thành hình lấy tên là Bạc Liêu vì ngay chợ của tỉnh lỵ có con rạch Bạc Liêu (có giả thuyết cho rằng Poanh Liêu, tức là nơi có đạo quân Lào trú đóng ngày xưa” (3).

          Vương Hồng Sển một nhà khảo cứu lão thành ở Nam Bộ khi nói về Bạc Liêu, cụ đã dùng những lời rất bình dị như sau : “Truy nguyên, Cơ me gọi Bạc Liêu là PôLoeu (Pô là cây Lâm vồ ; Phật nhập Niết Bàn dưới gốc cây này, nên người Miên rất trọng vọng và không dám đốn, còn Loeu là trên cao). Pô loeu là chỗ, vùng có cây Bồ Đề (Lâm vồ) cao nhất. Người Triều Châu đọc Po-Léo, âm ra tiếng ta là Bạc Liêu (Bạc là mỏng, xấu, bạc bẻo) ... Po Loeu cũng viết Pô Loenh” (4).

          Trong phần mở đầu của tác phẩm Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ Thị xã Bạc Liêu, các tác giả cũng đề cập đến nguồn gốc của từ Bạc Liêu :“Theo truyền thuyết tiếng Bạc Liêu có trên hai trăm năm, nó xuất xứ bởi hai từ liều bạc (5) dựng lên cặp ven biển của ngư dân, thời ấy bãi biển nằm sát nội ô thị xã bây giờ” (6).

          Đinh Xuân Vịnh trong khi nghiên cứu về các địa danh ở Việt Nam đã ghi vắn tắt về xuất xứ của từ Bạc Liêu như sau : “Bạc Liêu : gốc từ tiếng Khmer là Po Loenh nghĩa là cây đa cao” (7). Tiếp theo, nhà ngiên cứu Nguyễn Văn Tân cũng khẳng định : “Bạc Liêu : gốc từ tiếng Khmer là Po Loenh nghĩa là cây đa cao”.
         
Riêng nhà báo Trần Chí Thành (8) thì cho rằng hai chữ Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ cổ Malayu có nghĩa là “cù lao”.

          Nhưng trong sách Bạc Liêu thế và lực mới trong thế kỷ XXI lại thêm một lần nữa viết về tên gọi Bạc Liêu như sau : Danh xưng Bạc Liêu, đọc theo tiếng Trung giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là Bạc và Léo phát âm là Liêu. Một giả thuyết khác cho rằng ; Pô là bót, đồn. Liêu là lào (Ai Lao) theo tiếng Cao Miên, vì trước khi người Hoa Kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Còn người Pháp họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu, nên gọi vùng đất này là Phêcheri – chaume (đánh cá và cỏ tranh) (9).

          Ngoài ra cũng có người nói rằng : “Cái tên Bạc Liêu chỉ mới có từ năm 1882, khi vùng này được thành lập hạt (arrondissement). Ngày 18-12-1882 là ngày Thống đốcNam kỳ Le Myre De Villerský nghị định thành lập hạt Bạc Liêu  cũng là ngày khai sinh của từ Bạc Liêu” (10).
         
Như vậy, tùy theo góc độ và môi trường nghiên cứu, mỗi người đã có sự giải thích khác nhau. Tuy nhiên cũng có thể gom các ý kiến từ trước đến nay phân làm hai loại :
          1)- Loại nghiêng về ngữ nghĩa, gồm bốn nhóm :
                   a- Bạc Liêu có nghĩa : cây đa cao,
                   b- Bạc Liêu có nghĩa : xóm nghèo, xóm nhà thưa, xóm trại đáy.
                   c- Bạc Liêu có nghĩa : đồn Lào.
                   d- Bạc Liêu là : cù lao
          2)- Loại nghiêng về từ nguyên, gồm năm nhóm :
                   a- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ Pô loeu (Polloeu) của Khmer.
                   b- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ Pò léo của Triều Châu.
                   c- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ liều bạc (có lẽ là lều bạt)
                   d- Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ cổ Malayu
c- Bạc Liêu có xuất xứ từ văn bản hành chánh của người Pháp.

          Chín nhóm ý kiến trên, bề ngoài tuy rất khác nhau không liên quan với nhau, nhưng kết luận của các ý kiến đó đều là những chi tiết – những bộ phận trong một tổng thể, nói cách khác đó là những danh xưng của từng giai đoạn trong tiến trình hình thành và chuyển hóa của địa danh Bạc Liêu.
.
          Thực ra vùng đất này đến đầu thế kỷ XVIII vẫn còn hoang vu chưa được khai thác. Đến nnăm 1757, vùng này được sáp nhập vào Hà Tiên. Lúc ấy ở Hà Tiên đã có một số khá đông người Triều Châu vừa di cư sang chưa có chỗ định cư, nên sẵn dịp đó Tổng binh Mạc Thiên Tứ (1706 – 1780) đã đem toàn bộ số người Triều Châu vừa đến, một số người Khmer và cả người Việt xuống vùng này để khai hoang lập ấp. Khu định cư ban đầu của những người di dân lại nằm trong địa bàn của chợ Bạc Liêu ngày nay.

          Khi đã thành thôn xóm, dĩ nhiên phải có tên. Có người nói lúc đầu mang tên Polloeucủa người Khmer, lại có người nói vùng này có tên Pò Léo do người Triều Châu đặt ra. Không rõ sự thật như thế nào, nhưng sau đó chính người Việt đã căn cứ vào hai chữ Pò Léo đọc theo âm Hán Việt là Bạc Liêu. Người Việt càng ngày càng đông, từ Bạc Liêu càng được sử dụng. Nhất là khi Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) đem binh lính và lưu dân người Việt vào lập đồn điền và làng xã ở đây (vào khoảng năm 1855) thì hai chữ Bạc Liêu càng được sử dụng rộng rãi hơn.

          Lúc bấy giờ có một số ngư dân ở Gò Công xuống ở, họ làm nghề giăng câu, đóng đáy; họ cất những cái chòi nhỏ ngoài bãi biển để hành nghề. Cái cảnh chòi thưa hiu quạnh này thật hợp với cái nghĩa của từ Bạc Liêu. Và cũng từ hình ảnh này có người gọi là xóm Trại Đáy. Một số người lại nghĩ khác, họ cho rằng lúc đầu người Khmer, người Hoa và cả lưu dân người Việt cũng đều là những người nghèo xơ nghèo xác, mỗi hộ chỉ có cái chòi để che nắng che mưa, hộ khá lắm cũng chỉ có căn nhà lá nhỏ; nên Bạc Liêu được họ hiểu làxóm nghèo.

          Đến khi người Pháp chiếm miền Nam (11), chữ Pháp được truyền bá rộng, một số học giả biết chữ Pháp lại lẫn lộn từ bạc gốc Hán có nghĩa là mỏng với từ bạt gốc Pháp (bâche) là loại vải bố không thấm nước dùng để phủ đồ vật hoặc che lều. Và lều lại là từ biến âm của từ liêu gốc Hán. Nên số học giả này lại nghĩ rằng từ Bạc Liêu có liên quan đến từ lều bạt.

          Ba học giả Vương Hồng Sển, Đinh Xuân Vịnh và Nguyễn Văn Tân đề xuất ý nghĩa của từ Polloeu là cây đa cao, tuy hiện nay ở Bạc Liêu còn nhiều cây đa rất lâu năm, nhưng sau khi tra cứu từ Polloeu không có nghĩa là Cây đa cao.

          Về giả thuyết nói Bạc Liêu có xuất xứ bởi từ Pó Liêu hoặc Poanh Liêu và cho đó là đồn bót của người Lào. Thực ra Pó Liêu hay Poanh Liêu đều là cách nói trại âm của từPolloeu. Hơn nữa trong lịch sử cũng không thấy nói đến việc quân đội Lào đã có lần đóng quân ở đây.

          Còn ý kiến cho rằng từ Bạc Liêu xuất hiện khi hạt Bạc Liêu được thành lập. Điều này thực không phải hoàn toàn sai, bởi mọi người hôm nay đều biết Thống đốc Nam kỳ Le Myre De Villers ký nghị định thành lập hạt Bạc Liêu ngày 18-12-1882, dĩ nhiên trong nghị định này phải bao hàm việc ấn định cái tên Bạc Liêu cho hạt mới , nhưng thực ra cái tên Bạc Liêu đã có từ trước – vùng này đã mang tên Bạc Liêu, chẳng qua trước năm 1882 nó không phải là tên của một hạt mà thôi. Bằng chứng cụ thể là con rạch Bạc Liêu và chợ Bạc Liêu có trước khi hạt Bạc Liêu ra đời. Vì vậy việc áp dụng từ Bạc Liêu vào năm 1882 chỉ là việc hợp thức hóa cho một địa danh thường để trở thành tên của một đơn vị hành chánh cấp hạt, chớ không phải là việc đặt tên mới.

          Nói tóm lại, mọi người đều có cách hiểu của mình hoặc căn cứ vào một sự kiện có thật hoặc suy luận từ những yếu tố có liên quan và từ đó đưa ra những kết luận khác nhau, những kết luận khác nhau này lại nằm trong một quá trình diễn tiến của ngữ nghĩa và ngữ âm càng ngày càng xa nguồn gốc. Vì vậy, muốn xác thực vấn đề này phải căn cứ vào tài liệu văn bản là tốt nhất, hiện nay chỉ còn lại quyển Images de Cochinchine xuất bản năm 1925 tại Sài Gòn, có thể nói là quyển sách xưa nhất có đề cập đến nguồn gốc và ý nghĩa của từ Bạc Liêu (12). Nội dung quyển sách gần như một quyển địa chí của Nam Bộ, trong phần tỉnh Bạc Liêu đã xác định từ Bạc Liêu có nguồn gốc bởi từ Pò Léo của người Triều Châu, có nghĩa là “Xóm Nghèo”. Lời xác định này rất phù hợp với những lời truyền khẩu dân gian ở Bạc Liêu, vì vậy trong thời gian chưa tìm được tài liệu nào ra đời trước hơn hoặc có tính thuyết phục hơn thì quyển Images de Cochinchine nên được chọn làm cơ sở khi nói về nguồn gốc và ý nghĩa của từ Bạc Liêu.

CHÚ THÍCH
(*) Trường Cao đẳng Phật Học Bạc Liêu
(1)  Nguyễn Lộc Tấn, Địa phương chí tỉnh Bạc Liêu – 1965, trang 1.
(2) Huỳnh Minh, Bạc Liêu xưa và nay – 1966, trang 15.
(3) Sơn NamLịch sử khẩn hoang miền Nam – 1994, trang 251.
(4) Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam – 1993, trang 63.
(5) Theo ý của câu này thì từ “liều bạc” được sử dụng ở đây có lẽ là “lều bạt”.
(6) Sơ thảo lịch sử Đảng bộ thị xã Bạc Liêu (1930-1975) – 1975, trang 9.
(7) Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay Địa danh Việt Nam – 1996, trang 34.
(8) Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu
(9) Bạc Liêu thế và lực mới trong Thế kỷ XXI –  2006, trang 17.
(10) Ghi nhận trong quá trình điền dã.
(11) Đến ngày 15-03-1874, toàn xứ Nam kỳ đã chính thức thuộc Pháp.
(12) Alexandre Varenne, Images de Cochinchine. Xuất bản tại Sài Gòn năm 1925. 




PHẦN 2 ==============================

Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bạc Liêu vẫn ngày càng trù phú do phù sa bồi lấn ra biển và hơn hết là nhờ sự “chung sức, đồng lòng” dựng xây quê hương của ba dân tộc Kinh, Khơme và Hoa.

Xuất xứ tên gọi Bạc Liêu
Danh xưng “Bạc Liêu”, đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là  “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”.
Một giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào.
Còn người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng đất này là Phêcheri - chaume (đánh cá và cỏ tranh). Ngoài ra còn một số giả thuyết khác.
Năm 1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh ở Trung Quốc đến vùng Mang Khảm chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng úc (tức Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu.  
Năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng đất Mang Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên toàn bộ thôn xóm vùng này là trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu là Tổng binh trấn Hà Tiên, với tước Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu lập dinh trại đồn trú tại Phương Thành, nhân dân quy tụ ngày càng đông.
Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát thu nhập thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu). Toàn bộ vùng đất phương Nam thuộc về chúa Nguyễn. Đến năm 1777, Trấn Giang, Trấn Di được bãi bỏ.
Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi. Năm 1808, trấn Gia Định đổi là thành Gia Định cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long), Hà Tiên.
Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ thành Gia Định, chia Nam Kỳ thành lục tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, bao gồm đất từ Hà Tiên đến Cà Mau. Phần đất tỉnh An Giang, tính từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và Bạc Liêu tính đến cửa biển Gành Hào.
Ngày 5-1-1867, thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ. Đến ngày 5-6-1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 24 khu tham biện (inspection - có người dịch là khu thanh tra) do các viên thanh tra hành chính (inspecteur) đảm nhiệm.
Năm 1877, Pháp điều chỉnh Nam Kỳ còn 20 khu tham biện. Đến ngày 18-12-1882, Pháp cắt 3 tổng: Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thuỷ của đại lý (Dlégation) Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá (Arrondissement de Rach Gia) và hai tổng Thạnh Hoà, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt Sóc Trăng và thành lập địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu). Địa hạt Bạc Liêu là địa hạt thứ 21 của Nam Kỳ, lúc đầu có 2 đại lý: Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu.
Ngày 20-12-1899, toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi thành tỉnh, đại lý đổi thành quận. Ngày 1-1-1900, sắc lệnh trên được áp dụng cho toàn Nam Kỳ. 
Năm 1904, quận Vĩnh Lợi cắt một phần đất phía bắc nhập thêm vào quận Vĩnh Châu. Diện tích của tỉnh Bạc Liêu lúc này là 740 nghìn ha.
Năm 1918, chính quyền thực dân Pháp cắt một phần đất phía nam quận Vĩnh Lợi và một phần đất phía bắc quận Cà Mau thành lập quận Giá Rai.
Ngày 25-10-1955, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143/NV phân định lại địa phận hành chính các tỉnh miền Nam, sáp nhập các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu vào Sóc Trăng, thành lập tỉnh Ba Xuyên. Toàn bộ vùng đất quận Cà Mau lập thành tỉnh An Xuyên.
Ngày 8-9-1964, Ngụy quyền Sài Gòn ký Sắc lệnh số 254/NV tái lập tỉnh Bạc Liêu gồm các quận: Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu và Phước Long (Rạch Giá). Địa  phận này tồn tại cho đến ngày 30-4-1975.
Về phía chính quyền cách mạng: việc phân chia địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khác hẳn chính quyền Sài Gòn. Năm 1947, quận Hồng Dân thuộc tỉnh Rạch Giá giao hai làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú về quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Năm 1948, tỉnh Bạc Liêu giao quận Vĩnh Châu và làng Hưng Hội về tỉnh Sóc Trăng, đồng thời thành lập thêm quận mới lấy tên là quận Ngọc Hiển.
Ngày 13-11-1948, cắt 2 làng Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi để thành lập thị xã Bạc Liêu. Cùng thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng giao làng Châu Thới về Bạc Liêu. Làng Châu Thới hợp nhất với làng Long Thạnh thành làng Thạnh Thới.
Năm 1951, thành lập thêm huyện Trần Văn Thời, gồm các xã: Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Hưng Mỹ, Khánh An, Khánh Lâm. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận hai huyện An Biên, Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, huyện Vĩnh Châu được đưa về tỉnh Bạc Liêu, huyện An Biên và huyện Hồng Dân đưa về tỉnh Rạch Giá. Huyện Vĩnh Lợi và thị xã Bạc Liêu được tái lập.
Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây chia các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, thành huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu.
Năm 1962, huyện Giá Rai sáp nhập vào tỉnh Cà Mau. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định tách huyện Vĩnh Châu khỏi huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu, thành lập huyện Vĩnh Châu.
Tháng 11-1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu.
Vào đầu năm 1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau thành tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau, đến gần giữa năm 1976 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau đổi tên thành tỉnh Minh Hải.
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai và giữ nguyên cho đến ngày nay.guồn: Bạc Liêu Thế và Lực trong thế kỷ XXI

nguồn: http://baclieu.gov.vn
...
==========================
đăng bởi: BạcLiêuGroup'90
==========================




2 nhận xét:

  1. bài viết đã bổ sung thêm bài nghiên cú phong phú hơn, và rất thú dzị nhé quý dzị

    Trả lờiXóa
  2. Bạc liêu có thể có nghĩa là Bến Vắng một cái tên do các vị tiên hiền túc nho theo Nguyễn Ánh vào đặt tên cho các mật khu của ông:như Long Điền,Long Thạnh ,Hòa Bình ...Vĩnh Mỹ...
    Cái tên chỉ ra được các lưu dân đầu tiên đến vùng đất này thuộc thành phần nào...

    Trả lờiXóa

Bạn có thể nhận xét phía ô trên, NÊN đăng nhập tên nhé! nếu không bạn chọn "ẩn danh" nhưng lưu ý NÊN gõ tên người nhận xét để người khác tiện theo dõi, người nhận xét tự chịu trách nhiệm với nội dung của mình, nhận xét có thể bị xoá nếu không phù hợp./.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...