4.9.12

CHỮ VIỆT GỐC TÀU


Nguyễn hữu Phước

Đại Cương về Chữ Việt Gốc Tàu Và Chữ Hán Việt
 Sau đây là những chữ viết tắt sẽ dùng trong bài nầy:

VN =   người Việt Nam, hoặc tiếng Việt.
TH =    người Trung Hoa, trong sách VN người Tầu (Tàu), người „Hán“; chữ TH, chữ Hán = chữ Tàu = chữ „nho“.
HV =   Tiếng HánViệt, giọng đọc HV; chữ HV = chữ ký âm giọng HV bằng mẫu tự của chữ quốc ngữ VN.
QĐ =   tiếng TH giọng Quảng Đông, người QĐ.
TC =    tiếng TH giọng Triều Châu, người TC, người Tiều.
QT =    tiếng TH giọng Quan Thoại hay giọng Bắc Kinh (Bạch thoại); giọng nói chung cho cả quốc gia TH.


Một số lớn những chữ Việt gốc Tàu trong bài nầy, đều có trong quyển Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam của cố Giáo sư Lê Ngọc Trụ. Những chú thích cách đọc theo HV cũng từ quyển nầy.

Chữ Việt gốc Tàu là một đặc điểm của văn hóa Đồng Nai-Cửu Long . Có nhiều chữ Việt gốc Tàu rất thông dụng như chữ „xì dầu“, „xíu mại“ và cũng có một số chữ chỉ thông dụng giới hạn trong số những người VN có tiếp xúc với người Tàu.

Chữ Việt Gốc Tàu Khác Chữ Hán Việt
Điều cần nêu ra ngay là có thể nói khoảng từ 50 đến 60 phần trăm những chữ trong tiếng Việt là tiếng Hán Việt. Trong số đó khoảng một nửa đã được VN hóa vì chúng ta đã dùng hàng ngày từ lâu rồi, nên khi nói không chú ý chúng là tiếng HV nữa (thí dụ như „điện thoại, giao thông, tâm lý, tinh thần, tương trợ, du lịch, huynh đệ v.v.) Theo Tu Dinh và Vo Cao (9), nếu không đếm những chữ HV đã hoàn toàn VN hóa, thì tỉ lệ HV trong ngôn ngữ VN như sau:
„Truyện thơ Chữ Nôm: 21%; Thơ Chữ Nôm: 9%; Nghiên cứu & biên khảo nửa đầu thế kỷ 20: 24%; Truyện đầu thế kỷ 20: 12%; Thơ tiền chiến: 17%; Ca dao:1%; Truyện nửa đầu thế kỷ 20: 8%; Truyện nửa sau thế kỷ 20: 9%; Thơ nửa sau thế kỷ 20: 11%; Nghiên cứu & biên khảo nửa sau thế kỷ 20:30%; Báo chí đầu thế kỷ 21: 29%“.
Như vậy, càng gần đây, số chữ HV càng tăng vì ngôn ngữ VN theo đà phát triển, cần có thêm nhiều chữ mới để đáp ứng với nhu cầu phát triển trong nhiều lãnh vực khác nhau. Trong khi đó số „chữ Việt gốc Tàu“ chỉ độ trên dưới vài trăm chữ thôi.
Giọng HV là một giọng đọc mà các nhà nho dùng để đọc chữ Hán theo kiểu gọi là VN. Thật ra, đây là một cách đọc có hệ thống rõ ràng theo giọng đọc mà các nhà khảo cứu gọi là giọng Trung Hoa đời Đường bên Tàu, (tức giọng nói xưa của người Tàu, khoảng thế kỷ thứ 9 và thứ  10, gọi là giọng Trường An. Trường An là địa bàn chánh của dân Tàu đời Đường). Ai đã có đi học chữ Hán theo giọng Hán Việt đều có cách đọc giống nhau khi gặp cùng một chữ. Nói khác đi, tiếng HV cũng là tiếng có gốc Tàu, nhưng là một giọng nói, một cách đọc có hệ thống rõ ràng.
Trong suốt 10 thế kỷ ((từ năm 11 BC (trước công nguyên) đến năm 939 AD (sau công nguyên)), VN sống dưới sự đô hộ của người Tàu. Tất cả văn kiện trong hành chánh, luật pháp, văn chương, tôn giáo v.v. VN dùng chữ Tàu làm chữ chánh thức trong việc giao dịch với TH, và dùng giọng HV để đọc chữ Tàu. Có lẽ vào thời xa xưa đó, dân ta (người có học chữ Tàu) và người Tàu (nói giọng Trường An) hiểu nhau qua tiếng nói.
Điều cần biết là người TH có trên trăm giọng địa phương, nhưng họ đều dùng cùng một loại chữ viết. Do đó, tuy không đối thoại với nhau được bằng tiếng nói họ vẫn hiểu nhau qua chữ viết một cách dễ dàng . Lối dùng chữ viết để giao dịch hay „nói chuyện bằng chữ“ gọi là „bút đàm“. Do đó, có thêm một nhóm VN vào việc „bút đàm“ là chuyện không có gì xa lạ vì nhà cầm quyền TH không thể buộc tất cả những sắc dân TH hay những nước bị TH đô hộ nói cùng một thứ tiếng. Sau khi người TH dành lại được độc lập (khỏi sự cai trị của Mãn Châu) nhà cầm quyền TH ra lệnh dùng giọng „Quan Thoại“ (tức giọng Bắc Kinh) làm giọng nói tiêu chuẩn trong trường học và trong hành chánh TH, mặc dầu các phương ngữ vẫn tiếp tục sống động.
VN dành lại được nền độc lập vào thế kỷ thứ 10. Từ đó cho đến đầu thế kỷ 20, giới có học của dân ta vẫn tiếp tục dùng chữ Tàu và giọng đọc HV đã học được của thời xưa. Trong 10 thế kỷ độc lập với người Tàu, giới „có học“ của dân ta dạy học sinh những thế hệ kế tiếp những gì đã học được. Chữ viết và giọng HV , cách dạy HV không có thay đổi chi nhiều trong 10 thế kỷ nầy. Từø đầu thề kỹ 20, khi chữ „quốc ngữ“ của VN (dùng mẫu tự La Mã để ký âm tiếng Việt) phát triển, giọng HV cũng được „ký âm“ bằng chữ quốc ngữ VN. Lẽ dĩ nhiên là người Tàu chánh hiệu, không biết tiếng Việt và không học chữ Việt không thể đọc và có nghe cũng không hiểu giọng HV. Nhưng người Tàu nào có học tiếng Việt, với vốn chữ Tàu có sẵn, lại có thể dùng giọng HV để đọc chữ Tàu rất dễ dàng.
Trong lúc đó, từ thế kỷ thứ 10 đến giờ, tiếng Tàu, từ chữ viết và giọng đọc đã thay đổi rất nhiều theo thời gian và hoàn cảnh (người TH đã phải gánh chịu 90 năm đô hộ của người Mông Cổ (nhà Nguyên) và 267 năm của người Mãn Châu (nhà Thanh). Tuy vậy giao dịch với VN vẫn dùng chữ Tàu. Cho đến hiện đại, ngay cả ở trong nước TH, chuyện „bút đàm“ vẫn còn là chuyện quen thuộc.
Giọng nói thời Trường An, càng ngày càng xa giọng nói hiện đại. Nói khác đi, giọng HV của các nhà nho VN càng khác xa với giọng nói của TH hiện đại.
Chúng tôi xin nói rõ hơn một chút về chữ HV và chữ Việt trước, sau đó sẽ đưa ra một thí dụ khác về chữ Việt gốc Tàu. Thí dụ bài thơ „Trường tương tư“ của Lương Ý Nương. Bài thơ đó của người Tàu viết bằng chữ Tàu. Các nhà nho của chúng ta sẽ đọc bài thơ đó theo giọng HV, và dùng mẫu tự VN viết ra 4 câu giữa của bài thơ đó như sau:
Quân tại Tương Giang đầu
Thiếp tại Tương Giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương Giang thủy
Người Tàu chánh cống khi nghe chúng ta đọc 4 câu trên họ sẽ không hiểu gì cả. Một số trong những người lớn tuổi, và đa số con em chúng ta hay những người có ít vốn HV, chắc cũng không hiểu hết ý các câu trên. Sau đây là bài „dịch“ tiếng Việt các câu trên:


 Chàng tại đầu sông Tương
 Em tại cuối sông Tương
 Nhớ nhau, nhưng không thấy nhau
 Cùng uống nước sông Tương.
Nhưng có quá nhiều tiếng Hán Việt đọc lên nghe „lạ quắc“, thấy như tiếng Tàu làm sao chúng ta phân biệt được tiếng nào là Hán Việt và tiếng nào là „chữ Việt gốc Tàu“?
Đó là lý do mà trong bài nầy chúng tôi cố gắng ghi ra một số những“chữ Việt gốc Tàu“ ở phần cuối bài để nhận dạng chúng nó.

Thí Dụ Về Vài Chữ Việt Gốc Tàu
Mặt khác, „Chữ Việt gốc Tàu“ là những chữ mà dân ta dùng thẳng cách đọc của người Tàu hiện tại, và dùng âm của mẫu tự VN viết lại, giống hay gần giống, có khi hơi trại đi cách đọc của Tàu vì không có giọng tương đươngï. Khi ta nói lên tiếng đó, người Tàu „liên hệ“ (có cùng giọng nói) có thể hiểu được. Thí dụ hai chữ „xíu mại“ và chữ „chạp phô“ (tiệm tạp hóa) là chữ Việt gốc Tàu QĐ.
Bây giờ chúng tôi sẽ nói về chữ Việt gốc Tàu thông thường khác. ((Hầu hết những chữ Việt gốc Tàu trong bài nầy được viết bằng chữ đậm đều là chữ có gốc . Chữ nào không phải gốc QĐ sẽ được ký chú trong ngoặc đơn như chữ „xí lắt léo“ là gốc Triều Châu sẽ được viết xí lắt léo (TC) = chết.))
Chúng tôi dùng số 1, 2, 3, 4, 5, 6 làm thí dụ. Các số trên sẽ được đọc và dùng mẫu tự VN ký hiệu cách đọc theo âm VN như sau:
Tiếng VN thuần túy: một hai ba bốn năm sáu
Tiếng VN giọng Hán Việt: nhứt (nhất) nhị tam tứ ngũ lục
Giọng Tàu QĐ: dách dì xám xây ựng lục
Giọng Tàu Triều Châu: chực nò xa xí ngầu lác
Giọng Tàu Quan Thoại: dí ư xán xứ ù liu
Câu tiếng Việt sau đây gồm một số của các chữ trên:
„Anh Tư tôi, năm mười bốn tuổi thôi học khi xong lớp đệ tứ trung học (lớp chín ngày nay); Ảnh thích chơi hai loại bài: „da dách“ và „xí ngầu lác“(tức là chơi đổ hột xúc xắc); trong khi đó chị Ba tôi lại mê bài „xập xám“ (mười ba).
Da dách“, „xập xám“ và „xí ngầu lác“ (TC) là ba „chữ Việt gốc Tàu“ mà người VN quen dùng. Không ai nói chơi bài hai một, hai mươi mốt hay hăm mốt; và không ai dùng giọng HV để nói „chơi bài nhị nhứt hay nhị thập nhứt, hoặc bài „mười ba, hay thập tam“. Khi ta phát âm „da dách“, hay „xập xám“ người Quảng Đông và dân chơi bài người Việt (không biết nói tiếng Tàu) đều hiểu . Cũng y như vậy cho chữ „xí ngầu lác“ đối với người Việt và Triều Châu. Thêm vào, dân ta còn có thói quen gọi Anh Tư nhưng không gọi anh Bốn, và nói mười bốn chớ không xàimười tư. Chữ „tư „là tiếng Việt biến thể của chữ HV „tứ“. Phong phú thay.
Một Vài Chữ Việt Gốc Tàu Hoàn Toàn Việt Hóa
Chữ „Qua“: Trước khi kể ra đây những chữ Việt gốc Tàu liên quan đến việc ăn uống, chúng tôi muốn nói với các bạn một chữ mà hầu hết chúng ta cứ nghĩ là tiếng Việt 100 phần trăm. Đó là chữ „qua“ trong việc xưng hô:
Qua với bậu không duyên cũng nợ,
Bậu với qua như Tấn với Tần
Sống dương gian phải được nằm gần
Chết âm phủ chẳng phân đôi ngã ...
Hoặc ca dao cũng có câu:
 Miễn bậu đành ừ, qua chẳng từ lao khổ
Dầu đăng sơn tìm hổ,
Dầu nhập hải tróc long
Trước sau giữ vẹn một lòng . . .
Chữ „qua“ nầy là chữ Việt gốc Tàu.
Sau đây là các giọng đọc của chữ „tôi“. QĐ: „ngộ“; QT: „wọ“; TC: „Wá“.
Chữ „tôi“ viết bằng chữ Hán, đọc theo giọng Hán Việt là „ngã“. VN ta mượn giọng đọc chữ „tôi“ của QT/TC và viết theo VN là „qua“.
Tầm nguyên tự điển Việt Nam ghi:
Qua (wá TC; ngộ QĐ; ngã HV . Tôi, ngôi thứ nhứt số ít) Từ của người lớn tuổi xưng hô thân mật khi nói chuyện với người thuộc vai em cháu.“ [3]
Chữ „khốn nạn“ (QT = khó khăn) dân ta cũng mượn âm QT đọc y chang như vậy. (Ngoài nghĩa „khó khăn“, dân ở miền „lục tỉnh“ dùng chữ „khốn nạn“ theo một nghĩa khác: tiếng chửi, chỉ người vô lương tâm như câu: Nó là một thằng khốn nạn, đi lường gạt một ông nhà quê).
Xin các bạn xem những chữ Tàu thông dụng trong tiếng Việt ở phần cuối bài

Chữ Việt Gốc Tàu Phát Xuất Ở Vùng Nào?
Ở VN, nơi nào có người Tàu sống là nơi đó có một số „từ Việt gốc Tàu“. Có thể nói từ Bắc chí Nam nơi nào cũng có một số người Tàu sinh sống thường là nghề buôn bán. Do đó họ thường có mặt ở các chợ, tức là những thành phố nhỏ hay lớn. Việt, Tàu mượn chữ của nhau trong giao dịch hằng ngày, có chữ mượn xài luôn cho tiện vì không có chữ tương đương để „dịch“; miễn đôi bên hiểu nhau là được.
Theo học giả Lê văn Lân (4), ngoài Bắc có một số chữ quen thuộc sau: Hàm xôi phá sáng (đậu phọng rang, nóng giòn có ướp hương liệu), lọ mậy cấy (xôi gà), chí mà phù (chè mè đen), tàu xì (tương đậu nành, hột đen), lạp xưởng v.v.

Phần lớn „từ Việt gốc Tàu“ phát xuất ở Đồng Nai - Cửu Long
Nhưng miền đồng bằng Đồng Nai - Cữu Long có nhiều người gốc TH nhất. Họ đã định cư và „chung sống“ với người Việt từ mấy trăm năm nay. Vì vậy có thể nói những „từ Việt gốc Tàu“ mà dân Việt còn dùng ngày nay, phần lớn đều phát xuất từ miền ĐN-CL.
Trong số những sắc dân người Hoa có công góp phần mở mang vùng Đồng Nai - Cữu Long, đa số là người Quảng Đông và Phước Kiến. Nhưng cũng có nhiều nhóm khác, trong đó có người Triều Châu (còn gọi là người Tiều). Tuy hầu hết sống bằng nghề buôn bán, nhưng người Triều Châu còn có lối sinh sống khá đặc biệt. Họ sống trong lãnh vực trồng tỉa nhứt là ngành „hàng bông“ (tức là nghề trồng rau cải cung cấp cho các chợ). Có thể nói họ là nhóm hòa mình nhiều nhất vào đời sống dân Việt, nhất là ở các tỉnh từ Long Xuyên, Sóc Trăng cho đến Bạc Liêu, Cà Mau. Sự có mặt của người Triều Châu được ghi lại trong ca dao:
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
            Hoặc:  
Bạc Liêu là xứ cơ cầu,
Dưới sông cá chốt, Triều Châu trên bờ.
Hơn thế nữa, tiếng Việt gốc TC và QĐ cũng có mặt trong vài câu Ca dao „ba rọi“ sau đây:
Gió đưa chú „tửng“ từng tưng
Gặp chị bán gừng „na nả“ chị ơi (5, NTP)
(TC: „tửng“ = đứa bé; QĐ: „na nả“ có lẽ là do chữ „nải nải“ = bà chủ lớn, mà ra. Trong câu ca dao nầy chắc là tác giả dùng „nải nải“ theo nghĩa châm biếm.)
Sau đây là câu ca dao ba rọi khác trong đó có nhiều tiếng Việt gốc TC, theo sách của tác giả NTP):
Chờ anh cho hết sức chờ
 Chờ cho „ến xại“ lên bờ „khui hui“ .
(TC: ến xại“ = rau muống; „khui hui“ = trổ bông)
 Hoặc:
Chim kêu Ngồ Ố (1) Láng Dài
A hia (2) xùa bồ (3), a mùi (4) ùm chai (5)
            Hoặc:
Trời mưa dít am (6) hoang tùa (7)
A hia phề chuối (8) xuốt gùa (9) thăm em.
(Những chữ cần chú thích đều là tiếng Triều châu: (1)“Ngồ Ố = Láng Dài (địa danh); (2) a hia = anh; (3) xùa hồ = cưới vợ; (4) a mùi = em gái; (5) ùm chai = không hay biết; (6) dít am = trời tối; (7) hoang tùa = gió lớn; (8) phế chuối = chèo ghe; (9) xuốt gùa = ra đi.)

Người Tàu Đến Vùng Đồng Nai - Cửu Long Từ Lúc Nào?

Sử sách chép rằng người TH đã có mặt ở VN từ hơn hai ngàn năm trước; nhưng con số lúc đó chắc là ít lắm. Miền Bắc gần ranh giới TH, nên có một số thương gia Tàu sang VN buôn bán. Nhưng đợt di dân quan trọng nhất của người TH vào VN xảy ra vào thế kỷ 17. Số là vào khoảng giữa thế kỷ 16 thương gia TH và Nhật đã dùng một số hải cảng của VN (ở miền Bắc và Trung) trong việc buôn bán vì thương gia TH không thể giao thương trực tiếp với các đối tác người Nhật tại lãnh thổ Nhật vì có lệnh cấm buôn bán với Nhật do nhà Thanh của TH đưa ra (7).
Sau khi người Mãn Châu chiếm và cai trị toàn lãnh thổ TH và lập nên Nhà Thanh (1644-1911), có một số cựu thần nhà Minh không chịu đầu hàng. Họ lập phong trào „Bài Mãn Phục Minh“. Địa bàn hoạt động của họ mạnh nhất ở các tỉnh giáp giới với VN. Sự kiện nầy đã làm cho miền biên giới Hoa - Việt trở nên một vùng giặc giã liên miên „đã khiến dân Việt (vùng biên giới) vô cùng thống khổ vì đám giặc „Tàu Ô“nầy“ (5).
Vào năm 1679, một số cựu thần nhà Minh khác không chịu thần phục nhà Thanh, tìm cách trốn khỏi TH. Trong số nầy có:
Dương Ngạn Địch (cựu Trấn Thủ một số quận thuộc Quảng Tây) và Trần Thượng Xuyên (còn có tên là Trần Thắng Tài) cựu Trấn Thủ một số quận thuộc Quảng Đông) dẫn thuộc hạ (khoảng 3000 quân lính, gồn đa số là người QĐ và Phúc Kiến, và hơn 50 chiến thuyền) đến Tư Dung và Đà Nẵng tạm trú và xin theo Chúa Nguyễn. Rất ngại sự có mặt của nhóm người TH nầy ở Thừa Thiên (nơi có phủ chúa) và vùng lân cận, Chúa Nguyễn đã cho họ vào miền Đồng Nai, Cữu Long cư trú, mặc dầu vùng nầy còn thuộc Chân Lạp. (Vào khoảng thập niên 1650-60 vua Chân lạp đã chịu thần phục Chúa Nguyễn.) Nhóm Trần Thượng Xuyên vào lập nghiệp ở vùng „Cù Lao Phố“ (Biên Hòa ngày nay). Còn nhóm Dương Ngạn Địch và phó tướng của y là Huỳnh Thắng vào cửa Tiền Giang, đi ngược lên và dừng lại lập nghiệp ở vùng Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Hai nhóm dân TH mới nầy có biệt danh là người „Minh Hương“ hay người trung thành với nhà Minh của TH.
Trong lúc đó vào khoảng 1671, một thanh niên tên Mạc Cửu (người QĐ), sau khi nổi dậy và thất bại trong việc chống Nhà Thanh, đã đến phía Đông Nam Chân Lạp với mấy trăm tùy tùng, được phép vua Chân Lạp khai thác vùng bờ biển gần Phú Quốc. Tuy còn trẻ nhưng Mạc Cửu rất thành công trong việc mở mang vùng Hà Tiên (ngày nay), sau khi chiêu mộ thêm nhiều người TH (cùng hoặc khác tiếng nói) và cả người VN và người Cam Bốt. Vùng Hà Tiên trở nên một khu tự trị phồn thịnh. Tuy nhiên vì bị áp lực quân sự từ Thái Lan, nên vào năm 1708 , Mạc Cửu đã xin thần phục Chúa Nguyễn và nhận chúc Tổng Binh Hà Tiên do chúa Nguyễn Phúc Chu phong (7).
Ngoài người TH gốc Quảng Đông và Phúc Kiến, còn có rất nhiều người TH gốc Triều Châu (Tiều) lẫn lộn trong ba nhóm người trên. Nhóm TC đông nhất là thuộc nhóm Mạc Cửu.
((Ý nghĩ của Chúa Nguyễn khi gởi những người TH tỵ nạn đi xa khỏi vùng Thừa thiên để tránh nguy hiểm cho phủ Chúa đã được chứng tỏ là đúng: Huỳnh Thắng và thuộc hạ của y, sau khi mở mang được nhiều vùng đất ven bờ Cửu Long, có dã tâm tách khỏi quyền lực Chúa Nguyễn và lập vùng tự trị như một nước riêng. Chúa Nguyễn phải dùng Trần Thắng Tài hành quân và chỉ đánh và giết được Huỳnh Tấn sau nhiều thiệt hại cho cả đôi bên. Nhưng phải vài chục năm sau, chúa Nguyễn mới dẹp hết nhóm tàn quân của Huỳnh Tấn, vì họ đã trốn lên vùng Biển Hồ, dựa vào quân Cam Bốt và quân Xiêm (Thái Lan) để tồn tại trong việc chống Chúa Nguyễn. (7.))
Như vậy, trước khi Chúa Nguyễn bành trướng ở miền lưu vực Đồng Nai, Cữu Long thì một số người Tàu, cùng người Việt, đã đến khẩn hoang và lập nghiệp ở đây. Họ trở thành những người tiên phong cho VN đến khẩn hoang và mở mang miền Đồng Nai, Cửu Long. Dần dần, với tài buôn bán, họ trở thành một lực lượng kinh tế và do đó, lực lượng chánh trị, và góp phần vào nền văn hóa VN nói chung và của miền ĐN-CL nói riêng.
Mặc dầu người Minh Hương ít tham gia vào những chức vụ công quyền, (chỉ trừ một số ít người Việt gốc Minh Hương hay người Tàu lai Việt, sẽ nói ở đoạn cuối bài) nhưng với thế lực tài chánh, họ đã có một ảnh hưởng lớn vào những quyết định về chánh sách kinh tế, tài chánh và ngay cả việc bổ nhiệm những chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị của VN, nhứt là từ giữa thập niên 1950 trở về sau, ở Miền Nam VN. Mặt khác, họ cũng có lúc phải gánh chịu hậu quả của những cuộc tranh chấp nội bộ hay của những chánh sách có tính cách áp bức hay kỳ thị của VN.
Trong cuộc tranh chấp giữa Chúa Nguyễn và anh em Tây Sơn ở vùng Gia Định, có một số nhỏ người TH theo Tây Sơn, nhưng đa số phò trợ Chúa Nguyễn. Theo học giả Trần Nguơn Phiêu (8), thì ông Trần Thượng Xuyên, ngoài việc biến vùng đất hoang ở Cù Lao Phố thành một thương cảng phồn thịnh, còn lập nhiều công trận với chúa Nguyễn qua ba lần đánh với Cam bốt vào những năm 1690, 1700, và 1715. Thắng lợi trong ba trận nầy đã mở rộng biên giới VN về phía Nam. Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn sắc phong „Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt“ (8). Vì vậy khi chiếm được thành Gia Định lần thứ tư, hoàng đế Thái Đức của Tây Sơn (Nguyễn Nhạc), sau khi biết được trong số binh sĩ của Chúa Nguyễn có một số là người Hoa, đã „ra lệnh tàn sát khoảng mười ngàn người Hoa ở khắp vùng Biên Hòa Sài Côn“ (7). Những người còn sống sót đã di cư xuống vùng gần Sài Gòn và lập vùng Chợ Lớn ngày nay.
Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, miền Nam Việt Nam có đạo luật buộc người ngoại quốc (thật sự nhắm vào người Hoa) phải nhập Việt tịch. Nếu không thì bị cấm hành nghề trong lãnh vực quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có ngành thương mại và kỹ nghệ. Tổng thống VNCH (Ngô Đình Diệm) đã lập ra phủ „Đặc Ủy Trung Hoa Sự Vụ“ để giải quyết việc thi hành đạo luật trên.
Sau năm 1975, nhà cầm quyền đã có chính sách đưa người TH về Tàu. Hàng nhiều trăm ngàn người Việt gốc Hoa đã phải „đăng ký“ về Trung Quốc.

Chữ Việt Gốc Tàu Thông Dụng
Sau đây một số chữ Việt gốc Tàu ghi theo mẫu tự ABC:
Bạc = trắng (HV: bạch); vàng bạc; trắùng như bạc.
Bò bía (TC). Bò bía gồm có bánh tráng bột gạo hoặc bột mì, bọc nhưn (gồm nhiều nhất là củ sắn đã xào chín, vài con tôm khô nhỏ, vài miếng lạp xưởng mỏng đã luộc chín, đậu phộng rang).
Bảo kê (TC = bảo đảm bồi thường thiệt hại theo khế ước thỏa thuận. Bảo kê nhân thọ, bảo kê xe cộ, bảo kê sức khỏe v.v.
Bín = bện lại với nhau như tóc thắt bín hay giác bín (HV: biện).
Bò hó náng (TC) = người không tốt; HV: bất hảo nhân;
Cai : chừa bỏ món đã ghiền, (HV : giới). Thí dụ „cai“ thuốc.
Cánh chỉ (QĐ đọc cá-ying chi-i, HV: gia ứng tử = cũng là một loại kẹo trái cây) chạp phô (tạp hóa), hay là tiệm hàng xén
Cảo : vặn xoáy ra (thường là vặn theo chiều ngược). Động từ cảo thường do các thợ máy dùng.
Cấy báo = bánh bao nhưn thịt gà.
Cón (cón = láng) dân ta xài các t? ghép láng cón = thật láng, s?ch cón = hết sạch, không còn chút gì, thật sạch.
Cống hỉ phát xồi = cung hỉ phát tài . Lời chúc đầu năm tương đương với „cung chúc tân xuân“ của dân ta.
Cu ki = một mình không ai giúp, đơn độc ; HV: tự ký. Sao lúc nào anh cũng cu ki vậy?
Cú lũ = anh cao (HV: cao lão).
Cù lũ = tù binh; cù lũ còn là tên một mẫu trong bài „xập xám“ (bài 13 lá), hay phé (bài 5 lá) của Tàu. Mẫu nầy gồm gồm ba lá bài giống nhau đi chung với một đôi. (Mẫu bài gồm 5 lá bài).
Cũ xì = rất là cũ xưa (HV: cổ thì)
Chay = kiêng thịt; „xực chay“ = ăn cơm với rau cải thôi; HV : „thọ trai“.
Chí quách, còn gọi là xí quách. Có nhiều người, nhất là dân „nhậu“, khi vào tiện ăn trưa, trước khi gọi hủ tíu, hoặc hoành thánh, họ gọi „chí quách“ để nhăm nhi với bia hay với rượu trắng. „Chí quách“ có nghĩa đơn giản là „xương heo“ (chí = heo; quách = xương). Nhưng trong tiệm ăn, đây là món xương heo đã được dùng để nấu nước lèo. Xương đã hầm lâu trong nước sôi, nên lớp thịt mỏng hoặc gân còn dính ngoài xương đã trở nên rất mềm dễ gặm để tách rời khỏi xương. Vì vậy dân nhậu thích ăn „chí quách“ lắm. Nghĩa bóng là „sức lực“. (Anh ta hết „xí quách“ rồi, không làm gì được nữa).
Chía (TC) = ăn. Anh ấy chía một hơi hai dĩa bánh cuốn.
Chi-ệc hay chệc = chú = (TC) em của cha, hoặc là tiếng gọi một người lớn, nhưng nhỏ tuổi hơn cha mình (HV:thúc).
Da = cha (tiếng gọi cha hay gọi người lớn).
Dách = một (HV: nhất, nhứt). Số dách = số một, đứng đầu.
Dầu = chất béo từ động vật (mỡ), hay từ thực vật (dầu). Như mỡ bò, dầu ô liu v.v.
Dầu chá quảy. Có thể nói đây là một trong những chữ gốc Tàu chẳng những thông dụng ở vùng Đồng Nai Cửu Long mà hiện nay còn thông dụng ở hải ngoại nữa. Những tiệm bán cháo cá, cháo lòng, hủ tiếu v.v., đều có bán „dầu chá quảy“ . Tiếng QĐ, „dầu chá quảy“ có nghĩa là „quỷ chiên dầu“ (hoặc mỡ). Đây là một loại bánh bột mì gồm hai miếng dính lại và,  trong dầu thực vật hay trong mỡ (động vật). Nhưng tại sao là hai miếng? Và tại sao gọi là quỷ chiên?
Bánh nầy có liên hệ đến hai nhân vật đời Nam Tống bên TH. Đó là Tần Cối và Nhạc Phi. Tần Cối đã dùng địa vị Tể Tướng của mình, xui giục vua Tống Cao Tôn ký hòa ước nhượng đất cho nước Kim. Nhạc Phi là võ tướng trung thần bị gian thần Tần Cối hại chết . Dân chúng thương tiếc Nhạc Phi và rất ghét Tần Cối . Vì vậy sau khi vợ chồng Tần Cối bị xử tử (bằng cách trói chung lại và bỏ vào vạc dầu sôi) dân chúng vẫn tiếp tục tỏ bày sự chán ghét vợ chồng Tần Cối, nên chế ra bánh „dầu chá quảy“, gồm hai miếng bột ghép chung lại, tượng trưng vợ chồng Tần Cối.
Dụ khị = nói thế nào cho người khác tin mình (khị = nó).
Đầu nậu = người đứng đầu một chuyện gì hay một nhóm người khác (HV:đầu não).
Giá (TC:Thầu giá; HV:đậu nha) = mầm đậu = giá
Há cảo = bánh tôm (há = tôm, cảo = bánh); bánh gồm bột bao quanh con tôm đã lột vỏ, và hấp chín.
Hắc ín = loại nhựa đen dùng trộn với đá xay nhỏ để trải đường còn gọi là dầu hắc; HV: hắc yên.
Hàm bà lằng (TC) = tất cả, toàn bộ; biến nghĩa của chữ nầy là „đủ thứ“ (vật dụng từ a đến z) như chữ „thập cẩm“.
Hầu bao = cái ví hay cái „bóp“ đựng tiền hay đựng giây tờ quan trọng.
Hẹ = „khách“: tên một chủng tộc xưa ở trung nguyên TH. Họ đã di cư đến Quảng Đông, Phước Kiến, TH, nên người QĐ gọi họ là „khách“. Ở VN cũng có người Hẹ.
Hàu xì = con nghêu hay con hào phơi khô.
Hò, xử, xang, xê cống, líu: tên các bậc âm trong cổ nhạc (HV đọc: hà, sĩ, thượng, xích, công, lục).
Hoành thánh = „mây nuốc“ vì có cái võ bên ngoài (giống mây) „nuốc“ (bao quanh) cái nhưn bên trong (HV : vân thôn);
Hộp = vật dùng để đựng. Ăn ở tiệm, còn dư thực phẩm có thể xin hầu bàn „lượng cơ hộp = hai cái hộp để đem thức ăn dư về.
Hủ tíu (TC đọc quẻ tíu; HV: qua điêu) nôm na là bánh phở . Nhưng chữ „hủ tíu“ chỉ chung thức ăn gồm có bánh phở, thịt heo hay các loại thịt, cá, nấu theo kiểu Tàu. Xin nhớ là những loại „hủ tíu“ nầy không bao giờø được gọi là „phở“ cả vì món chánh là thịt heo. „Phở“ được coi là thức ăn độc đáo của VN mặc dầu „bánh phở“ tức bột gạo cọng dài và khô khi chưa nấu đích thực là một loại „hủ tíu“ như của Tàu. Xin nhắc lại ở đây là tiếng „phở“ có lẽ có nguồn gốc là chữ „phảnh“ trong nhóm chữ „ngầu dục phảnh“ ( = hủ tíu thịt bò) của QĐ.
Hui nhị tỳ = về nghĩa địa = chết (TC/QĐ: hui, HV:hồi=về
Lạp chạp (TC) = lộn xộn.
Lạp xưởng. Trong các món xôi của dân ta có món xôi „lạp xưởng“ (tiếng HV: „lạp trường“). Đây là món dồi thịt heo (có lộn mỡ) ướp muối diêm, gia vị, và dồn vào ruột heo rồi phơi nắng, hoặc sấy ấm cho khô.
Lẩu. Chữ „lẩu“ có thể nói là một chữ gốc Tàu khác sống vượt thời gian và rất phổ biến như chữ „dầu chá quảy“. Món „lẩu“ là món thông dụng trong nhiều gia đình. Hầu hết các tiệm ăn từ bình dân cho đến các cao lâu đều có món „lẩu“. Nào là lẩu mắm, lẩu dê, lẩu lương, lẩu tôm mực, lẩu hải sản, lẩu thập cẩm v.v.
Chữ „lẩu“, QĐ đọc „lổ-ù“ có nghĩa là „lò lửa“. Chúng ta dùng luôn âm QĐ và đọc „lẩ-u“. Hình dạng đầu tiên của „lẩu“ là một dụng cụ nấu trong đó có cả „lò“ và „nồi“ chung nhau. Lửa được đốt từ bên dưới và sức nóng thoát lên qua một ống hình khối tròn và dài như ống khói. Vì nồi nấu có nước nằm bao quanh ống đó nên „lẩu“ còn có tên là „cù lao“.
Lậu =một loại bịnh truyền nhiễm qua giao hợp. HV : hoa liễu (bệnh).
Lè phè (QĐ đọc „lẹ phẹ“) = không tỏ ra siêng năng, hay quan trọng, chỉ làm cho có. Người lè phè sống qua ngày.
Lì xì = tiền cho người khác, thường để trong giấy đỏ, tiền cho trẻ em ngày tết (HV: lợi thì).
Mại = mua. Đây là tiếng „mại“ của QĐ. Chữ „mại“= mua của QĐ tiếng HV đọc là „mãi“. (Trong khi đó chữ „mại“ của HV lại có nghĩa „bán“ như „mại danh = bán danh tiếng, mãi danh = mua danh, mại mãi = bán buôn.)
Mại bản: người thay mặt hãng buôn lớn giao dịch vơi người ngoài. HV đọc „mãi biện“ Trong số từ ngữ Tàu (TC) được thông dụng ở miền Nam có từ Mái Chính (HV: mãi tấn), là người tổ chức mua hàng, ngày nay ngang với chuyên viên thu mua. Bên cạnh đó còn chuyên viên mãi biện, mãi bản tức người môi giới, tổ chức, bán vé trong ngành chuyên chở bằng tàu bè (comprador).
Mạt chược = tên một loại bài của người Tàu. Có một số dân VN cũng thích chơi loại bài nầy; Người ta thường nói „xoa mạt chượt“.
 = tiếng đọc trại của chữ „mìn“ = bột lúa mì có pha trứng, màu vàng, cắt sợi nhỏ. Luộc chín và dùng với nước lèo và thịt heo hay hải sản.
 = nón (đội đầu che nắng).
Nạm = bụng; dân ta xài chữ „thịt bò nạm“ để chỉ loại thịt bò lóc từ sườn bò ra, có một lớp mỡ dính sát vào lớp nạt; loại „thịt nạm“ nầy thường dùng nấu bò kho, phở nạm.
Ngám = vừa đúng theo kích thước; „vừa ngám“ = vừa y, vừa triến, vừa vặn.
Ngầu: 1. = bò; ngầu dục = thịt bò (HV: ngưu).  2. =hung dữ, quạu quọ, khó tánh.
Nhẩm xà. QĐ nghĩa đơn giản là „uống trà“ (HV: ẩm trà). Nhưng nhóm chữ „tiền nhẩm xà“ lại có nghĩa là tiền „buộc boa“ (Pháp: pourboire) hay tiền „típ“ (Mỹ:tips) là loại tiền thưởng thêm cho người nào đã cung cấp cho mình một dịch vụ gì. Ngoài ra, sau nầy „tiền nhẩm xà“ được dùng theo nghĩa rộng hơn: đó là tiền chi phí trong việc giao tế. Theo thời gian, nó được hiểu là „tiền hối lộ“ cho công việc được thuận lợi.
Pha = sợ; trong bài phé, „pha“ là chịu thua, không để thêm tiền vào nữa.
Phá lấu (TC). Có thể dùng lòng heo (bao tử, gang, tim, lưỡi v.v.) ướp hương liệu, xì dầu và đem um (nấu với lửa nhỏ) cho vừa cạn nước gia vị. Món ăn nầy TC gọi là „phá lấu“. Đây là một trong những món mà dân „nhậu“ rất thích.
Phàn = cơm; (HV đọc „phạn“). Đi chung với chữ phàn chúng ta có vài chữ đôi mà những người VN có bạn Tàu-Việt đều hiểu và dùng thường: Xực phàn = ăn cơm, (HV: thực phạn). Phay = mảnh vụn hay miếng mỏng. Thịt phay = thịt heo luộc cắt thành lát mỏng; gà xé phay = gà luộc xé thành miếng nhỏ trộn với rau răm và các loại rau khác (tùy ý thích của từng nhà, ca dao có câu: „Gà cồ ăn quẩn cối xay, Rau răm muối ớt xé phay gà cồ“); có thể „dao phay“ (dao lớn để chặt xương hoặc cắt thịt) cũng do chữ „phay“ nầy của QĐ mà ra.
Phì phà chảy = ca nhi, cô hát. Nghĩa khác là gái điếm.
Phổ ky = người hầu bàn (bồi bàn) trong tiệm ăn hay nhân viên bán tiệm tạp hóa. HV đọc „hỏa ký“.
Phổi tai còn có tên VN là „khổ tai“ (HV :hải đới). Đó làø „rong biển“, và cũng là một vật liệu thường có trong món tráng miệng khác là „chè đậu xanh“ mà QĐ gọi là lục tầu xá (HV: lục đậu sa); hồng tầu xá = chè đậu đỏ
Phóng xủi = gió, nước; HV: „phong thủy“ = chữ chỉ về việc phương hướng, địa thế đất đai. Thầy phóng xủi còn được gọi là thầy địa lý sống bằng cách coi xem phương hướng, địa thế coi có hạp với người cần làm một việc gì.
Sâm bổ lượng. (QĐ : txíng pổu lu-ởng, HV : thanh bổ lương) là một „vị thuốc mát bổ (gồm) có phổi tai, bo bo, hoài sơn, bá hợp hoa, trái táo khô. . . ăn dưới hình thức chè“ (Lê Ngọc Trụ).
sở hụi= sở phí, chi phí
Tả pín lù. Cách đây khoảng trên bốn thập niên, hay lâu hơn, món „lẩu“ còn có tên là món „tả píl lù“ (đọc trại thành „tả pín lu“). Người ta chuẩn bị các loại rau (tùy ý thích) và các loại khác như cá, tôm, thịt heo (hoặc gà, bò v.v.) dọn lên bàn ăn. Đốt lửa nấu sôi nước pha giấm, hoặc nước lèo (hoặc nước có pha mắm xay nhuyễn). Khi nước sôi, mỗi người tự để rau cải và loại tôm, thịt mình thích vào nước lèo đang sôi. Khi thấy độ chín vừa ý thích, gắp ra cuốn bánh tráng, chắm mắm nêm hay nước mắm pha và ăn. Nói khác đi cách ăn nầy y như ăn món „bò nhúng dấm“ trong bữa ăn „bò 7 món“.
Tiếng QĐ, „tả píl lù“ , HV đọc „đả biên lư“ nghĩa đen là „đánh bên lò“ (2). Ngôn ngữ QĐ dùng ba chữ nầy để chỉ món ăn vừa tả ở đoạn trên. Dân ta sau nầy đọc trại một chút thành „tả bín lù“ hoặc „tạp bín lù“. Nhóm chữ nầy có khi được dùng theo nghĩa „đủ thứ“ như trong nghĩa chữ „thập cẩm“.
Ngày nay, „lẩu“ là món ăn với lò lửa ngay trên bàn ăn dù dùng hình thức „cù lao“ hay không. Điều cần nói là trong cách ăn „lẩu“, các món vật liệu đã được nấu trước rồi, lò lửa chỉ có phận sự giữ cho món ăn tiếp tục còn nóng, chớ không có phận sự „nấu chín“. Còn ăn „tạp bín lù“ hay „nhúng dấm“ (hay „nhúng nước lèo“) thì rau cải, thịt, và các hải sản còn tươi (chưa nấu chín) sẽ được nấu từng phần tại bàn ăn; việc „nấu“ và „ăn“ xen kẽ suốt buổi ăn. Vì vậy, chủ nhơn của bữa tiệc phải lo canh sao cho có đủ sức nóng giúp nước sôi mau, nếu có ai để nhiều thức ăn vào nước lèo. Và vì mỗi người tự chọn số lượng và tự nấu lấy, nên độ chín của của vật liệu có thể khác nhau theo ý muốn của mỗi người. Như vậy „lẩu“ và „nhúng dấm“ là hai cách ăn khác nhau mặc dù cả hai đều dùng „lò lửa“ tại bàn ăn.
Tài = lớn, (HV: đại); Xỉu = nhỏ (HV:tiểu); tài xỉu = lớn nhỏ = tên một loại cờ bạc.
Tài phú: người lo về trông coi tiền thu, xuất
Tài lũ = anh, tiếng xưng hô để gọi một người lớn hơn mình.
Tằng xại (TC), HV=đông thái. Đông là mùa đông, thái là tất cả những loài rau cỏ ăn được. Nghĩa rộng: tằng xại, tăng xại là rau cải ướp gia vị dự trử để dùng vào mùa đông. Đặc sản trung quốc tằng xại là cải muối có gia vị, còn có tên là „cải bắc thảo“, thường dùng để ăn như một món dưa mặn, hay có thể để vào canh thịt, thịt chưng, hoặc nước lèo bò viên.
Tằng khạo (TC). Theo Ông Lê Ngọc Trụ, „tằng khạo“ (HV: đồng khảo) là người thay mặt chủ điền trông nom giùm những thửa ruộng của chủ (làm việc không công) HV: đồng khảo. Theo TS Phan Tấn Tài, „tằng khạo“ hay „từng khạo“ là người thông ngôn. Người từng khạo đóng vai trò người cai (trong thực tế họ là người ra lịnh thay chủ), cai thợ, cai công (nông nghiệp), cai thuyền.
Tẩy = đáy hay mặt dưới của một vật (HV: „để“). Trong loại bài „phé“, „tẩy“ là lá bài úp. Những người chơi loại bài nầy quan sát vẻ mặt của đối phương và đoán lá „bài tẩy“ của đối phương để quyết định „pha“ hay chịu thua, hoặc quyết định „tố“ tức là để thêm tiền vào thách thức đối phương có dám thêm tiền cho bằøng số hoặc thêm nhiều hơn nữa để thách thức. Nghĩa bóng của chữ „tẩy“ là việc được giấu kín, hay bề mặt thực sự của một việc, không muốn người ngoài hay đối phương biết; nếu họ biết được sẽ có điều bất lợi cho người dấu tẩy.
Tẩy chay = một cách biểu lộ sự phản đối một việc gì hay một người nào qua hình thức tránh tất cả mối liên hệ với việc hay người đó.
Tàu vị yểu (đọc trại của chữ „tàu mêi yầu“ = nước chấm làm bằng tương đậu nành. Còn gọi là „xì dầu“.
Tẩu : do chữ yíl tẩu = cái ống điếu để hút thuốc.
Tía : Cha (TC & QĐ = cha, dượng). Chữ nầy rất thông dụng ở miệt Hậu Giang. (Ca dao VN :
 Con cò nó mổ con lươn,
Bớ chị đi đường (ghe lườn) muốn tía tôi không,
Tía tôi lịch sự quá chừng,
Cái lưng mốc thích cái đầu chơm bơm.
Tiệm xấm hay tiệm xâm có nghĩa là „ăn sáng“ hay „ăn lót lòng“; (HV:điểm tâm). Nhưng „tiệm xâm“ là cách lót lòng với những món ăn rất „Tàu“ có tên quen thuộc vì đã bị Việt hóa.
Tố (QĐ, QT) = nhiều. (HV: đa) Trong bài „phé“, tố là thêm tiền để thách thức đối phương đánh theo. Nếu đối phương không theo là đối phương chịu thua. Nếu đối phương tố mà ta không dám theo (vì sợ nếu theo thì bị thua nhiều hơn) thì ta thua số tiền đã đặt ra ở những lần „tố“ trước.
Tùng = lá bài được để ngửa lên trong một vòng của bài „cách tê“ vì trong vòng đó nó là lá bài lớn nhất. „Tiêu tùng“ là không có lá nào để ngửa. Tiêu tùng còn có nghĩa là mất hết cơ hội rồi. 
Tửng 1. (TC = đứa trẻ nhỏ) như thằng tửng; 2. còn tửng của QĐ có nghĩa là sang nhượng lại như: Anh tôi có „tửng“ một căn phố thương mại gần chợ để mở tiệm cơm. „Tiền tửng“ một cái nhà là số tiền phải đưa cho một người để họ dọn ra và người chịu „tiền tửng“ sẽ dọn vào nhà đó.
Tỷ (TC) = em trai, còn là tên cho con trai. Thằng Tỷ năm nay được tám tuổi.
Thầu kê (TC) = ông chủ.
Thầu xáng = người sếp, người cầm đầu của nhóm phổ ky. HV : „đầu sanh“.
Thấu cấy = ăn cắp gà. (HV: thâu kê). Nghĩa bóng là lừa gạt. Gạt gẫm người khác. Không thể tin ông ấy được vì thỉnh thoảng ông ta chơi trò „thấu cấy“.
Thò lò = cái bông vụ, một loại đồ chơi của trẻ em. Nó cũng là một vật dụng dùng trong bài bạc.
Thồi. Dính líu tới nhà hàng Tàu, chúng ta có chữ „thồi“ = bàn tiệc . HV đọc là „đài“. Một nhận xét, nhưng không có cách giải thích thích đáng, là người Bắc dùng chữ „thồi“ thường hơn dân Nam khi nói đến tiệc tùng ở nhà hàng Tàu. Dân trong Nam thường dùng chữ „bàn“.
Thùng phá xảnh = một con bài trong bài „xập xám“. Con bài nầy gồm năm lá cùng „một nước“ (cùng loại) nhau. HV gọi là „đồng hoa duẫn“. Về bài sập xám, có hai hạng sau đây là hai con bài lớn: Nhứt „tứ quí (hạng nhất là bốn lá bài giống nhau như 4 lá ách, hay 4 lá tám), nhì „đồng hoa“ (thùng phá sảnh).
Xà bần : Do tiếng „chập bần“ của TC = nhiều món trộn lẫn với nhau. Gạch đá xà bần là gạch đá vụng do việc đập phá sân hay nền nhà, đổ lẫn lộn nhau thành đống. „Nồi xà bần“ là nồi nấu chung nhiều món ăn dư của buổi tiệc hay của bữa ăn trước.
Xá xíu = thịt heo ram có màu đỏ
Xá lỵ trái lê Tàu; HV:tuyết lê
Xẩm = „thím“ = vợ của chú. Thí dụ: Sao chú và „xẩm“ không dẫn em Hoa đi theo cho vui. Dân ta dùng luôn hai tiếng Việt và QĐ „thím xẩm“ và hiểu là „thím xẩm“ là thím người Tàu, hay „người đàn bà Tàu“.
Xập kỉ nìn = chỉ vật cũ kỹ lắm rồi. ((HV:thập kỉ niên = (đã xài từ) mười năm rồi)). Vật đã quá cũ, quá xưa.
xây lũ cố = em nhỏ, thằng nhỏ
Xế = xe. Tài xế = người lái xe.
Xê cố = kem lạnh (cà rem); HV: „tuyết cao“.
Xí í-léo (TC) = chết; (HV:tử liêu); dân ta đọc trại thành „xí lắt léo“.
Xí mứng (TC) = bốn cửa. Nghĩa bóng là dùng kế, hay phương cách làm người khác thi hành theo ý mình và có lợi cho mình. Thí dụ: Anh đó chơi „cú xí mứng“ đễ dụ mầy hùn vốn (mượn tiền) cho ảnh làm ăn. HV đọc là „tứ môn“.
Xí muội = một loại kẹo (mứt) trái cây khác, nhiều vị mặn hơn ngọt, HV đọc là „toan mai“ sau nầy thành „ô mai“)
Xiên xáo hay xương xáo (TC) = thạch đen, một loại thức ăn chế biến từ thực vật; QĐ gọi nó là „lường phảnh“ = bột mát.
Xín xái (TC) = sao cũng được; xín xái bò lái bò khự (TC) = bỏ qua đi, sao cũng được mà, tính đại khái cho xong.
Xính xáng (QĐ và QT đọc gần giống nhau) = ông, thầy hay cô giáo, chồng (tiếng xưng hô). HV : „tiên sinh“.
Xíu mại = thịt heo hoặc bò, băm nhỏ, ướp gia vị, có thể có một lớp da „hoành thánh“ bọc một phần, có thể có thêm tôm, núm rơm hay núm đông cô trộn chung trong thịt băm, và được hấp chín.
Xuận xủi xuận phong = thuận gió thuận nước; đây là câu chúc cho một người hay nhiều người sắp đi xa. (VN ta cũng có câu chúc „thuận buồm xuôi gió“). 
Xủi = nước; quảnh xủi = nước sôi, pín xủi = nước đá lạnh.
Xủi cảo = bánh nước, giống như hoành thánh nhưng to hơn, ngoài thịt heo bằm ra, thường có tôm, và nấm mèo, dùng làm nhân, và có hình bánh quai vạc của VN.
Xường xám = áo dài (đàn bà), kiểu Thượng Hải, tay ngắn, hoặc dài, hai vạt trước và sau như áo dài VN nhưng bó sát gần chân , có xẻ hai bên từ hông xuống hết chiều dài của áo. Đây là một kiểu áo trông rất „sexy“. (HV : trường sám).
Yến (TC) = 10 cân = 6 kilô ; đơn vị đo lường (trọng lượng)  ngày xưa.


Sách Tham Khảo
            A. Sách và Đặc San
[1] Hồ Hữu Tường (1968). Người Mỹ ưu tư, tác giả xb, Paris; nxb An Tiêm tái bản 2003, Paris.
[2] Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970). Việt Nam Tự Điển, nxb Khai Trí, Sài Gòn.
[3] Lê Ngọc Trụ (1993). Tầm nguyên tự điển Việt Nam, nxb TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn.
[4] Lê Văn Lân 2001). „Tại sao người Việt Nam khoái cơm tàu?“ Đặc San Lê Hoa, Lê tộc hội hải ngoại xb, San Diego, California.
[5] Ngô Thế Vinh (2000). Cửu long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng, nxb Văn Nghệ, Westminster, California.
[6] Nguyễn Trúc Phương (1970). Văn học bình dân. Khai Trí xb. Saigon.
[7] Trần Gia Phụng (2005). Nhà Tây Sơn, nxb Non Nước, Toronto.
[8] Trần Nguơn Phiêu (2005). „Cù lao Phố“, tạp chí Thế Kỷ 21, số 189&190, Westminster, California.
[9] Tu Dinh & Vo Cao (2003). Văn phạm và ngôn ngữ Việt Nam, nxb Southeast Asian Culture and Education Foundation, Huntington Beach, California.

 B. Các nguồn tư liệu khác.

-     Các hão bằng hữu (đồng nghiệp, nhân viên của Chương trình bảo vệ trẻ em Á Châu Thái Bình Dương, county Los Angeles, muốn dấu tên) người Mỹ-Việt gốc QĐ, TC, Hồng Kông, VN, chẵng những nói được phương ngữ TH mà còn biết rành giọng Quan Thoại: Đã điện đàm, hoặc trực tiếp bàn với tác giả bài nầy về những chữ có giọng đọc giống nhau hoặc trà trại đôi chút giữa VN và các giọng Trung Hoa. Xin cảm ta sự „giáo dục“ của các bạn.
-     GS Trần Thượng Thủ (2005). Điện đàm giữa Gs Trần Thượng Thủ (cháu đời thứ 12 của ông Trần Thượng Xuyên) với tác giả bài nầy: Xác nhận là ông Trần Thượng Xuyên còn có tên là Trần Thắng Tài.
-     Tiến Sĩ Phan Tấn Tài: Email cho chúng tôi một số ghi chú.

...
==========================
đăng bởi: BạcLiêuGroup'90
==========================



1 nhận xét:

Bạn có thể nhận xét phía ô trên, NÊN đăng nhập tên nhé! nếu không bạn chọn "ẩn danh" nhưng lưu ý NÊN gõ tên người nhận xét để người khác tiện theo dõi, người nhận xét tự chịu trách nhiệm với nội dung của mình, nhận xét có thể bị xoá nếu không phù hợp./.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...