Bạc Liêu, vùng đất hoang vu xưa được khẩn hoang bởi những con người với trái tim cháy bỏng khát vọng tự do. Bằng đôi tay, khối óc, họ đã làm chủ thiên nhiên, bắt đất sinh hoa, kết trái, tạo sự trù phú cho vùng đất ở cuối trời này. Cuộc sống hoà hợp với thiên nhiên làm con người trở nên phóng khoáng, sống chan hoà, tình nghĩa và cũng từ những tính cách đặc trưng ấy đã níu bước chân du khách trên chuyến hành trình về đất Bạc, tìm hiểu, khám phá nét văn hóa độc đáo được hình thành bởi sự cộng cư của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer sinh sống chan hòa, yêu thương được thể hiện qua sự giao lưu văn hóa trong đời sống hàng ngày sẽ làm nao lòng du khách.
Bạc Liêu – thành phố trẻ
Nếu ngày xưa, Bạc Liêu hiền hòa đón bước chân dòng người phương Bắc về đây lập nghiệp, thì ngày nay sức sống mới của một thành phố trẻ giàu tiềm năng phát triển về du lịch. Du lịch văn hóa của Bạc Liêu được gắn liền với những giai thoại, lịch sử hào hùng và nét văn hóa du lịch tâm linh tín ngưỡng độc đáo. Sức hút của Bạc Liêu không phải những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, mà chính là nét duyên ngầm của một vùng quê thắm đượm tình đất, tình người. Với quần thể kiến trúc nhà xưa được các nhà chuyên môn đánh giá là quần thể kiến trúc cổ đẹp nhất nước Việt Nam ở Bạc Liêu sẽ mang đến cho du khách cảm giác hoài cổ về một thời vàng son ở vùng đất Bạc nổi tiếng trù phú xa xưa. Du lịch Bạc Liêu đang phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, tô điểm thêm nét đẹp của vùng đất và con người Bạc Liêu với những sự kiện đã đi vào lịch sử trở thành một mốc son, dấu ấn khó phai, mãi đọng lại trong lòng các thế hệ tiếp bước trên quê hương Bạc Liêu. Tấc cả đã tạo nên một Bạc Liêu tự hào là “Điểm hẹn văn hóa”.
Đền thờ Bác ở Châu Thới
Đền thờ Bác được xây dựng tại ấp Bà Chăng, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi là “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu trên 10km. Ngôi đền khang trang được xây dựng bên bờ sông Bà Chăng, nơi thời chiến tranh ác liệt, quân và dân Châu Thới đã một lòng bám đất, giữ làng, dựng lên Đền thờ tỏ lòng tôn kính Bác, thể hiện tấm lòng kiên trung, tri ân sâu sắc, là tấm lòng của người dân Bạc Liêu đối với Bác Hồ, củng cố thêm niềm tin vào con đường Cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đền thờ Bác ngày ngày vẫn sừng sửng, uy nghi giữa lòng dân, giữa mảnh đất Châu Thới kiên cường. Đến với đền thờ Bác ở Châu Thới để hiểu thêm về mảnh đất đã sản sinh ra những người con anh hùng, bất khuất, trãi qua bao gian khó, hiểm nguy vẫn kiên cường bảo vệ nơi hương khói vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Khu di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng
Bạc Liêu là vùng đất có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng với nhiều cuộc đấu tranh của tầng lớp nông dân đã viết lên những trang sử hào hùng, ở đâu có áp bức là ở đó có đấu tranh. Cuộc nổi dậy của anh em Mười Chức vào năm 1928 tại đồng Nọc Nạng, làng Phong Thạnh, quận Giá Rai (nay là huyện Giá Rai), tuy mang tính tự phát nhưng sự dũng cảm và quyết liệt của những người dân nơi đây đã tạo được tiếng vang ở Bạc Liêu, chấn động dư luận cả nước. Di tích đồng Nọc Nạng nằm tại ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu với tổng diện tích quy hoạch và tôn tạo là 35.000m2, trong đó diện tích bảo vệ là 10.279m2, di tích lịch sử này là mộ lưu niệm do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng để ghi lại chiến công quật khởi của nông dân Nọc Nạng.
Tháp cổ Vĩnh Hưng
Tháp Cổ Vĩnh Hưng - một công trình kiến trúc thời Angkor của người Khơme được liệt vào danh mục di tích quốc gia. Đây là ngôi tháp cổ hiếm hoi còn sót lại ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tháp Cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 20km về hướng Tây Bắc. Với nét cổ kính, cùng màu thời gian phủ trùm lên tháp cổ. Ngôi tháp có khối hình trụ với dấp dáng kiêu sa, khoác lên mình sự huyền bí với biết bao câu chuyện truyền miệng của người dân trong vùng. Trong muôn vàn câu chuyện được thêu dệt, tất cả như muốn tôn thêm sự hấp dẫn lôi cuốn của một ngôi tháp được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992. Tháp Vĩnh Hưng là di tích kiến trúc cổ có giá trị về mặt nghệ thuật, văn hoá của người Khmer Nam Bộ.
Khu nhà công tử Bạc Liêu và huyện Sổn
Bạc Liêu còn đó uy nghi và vững chãi cùng thời gian là một “lầu Công tử”, nhà Công tử Bạc Liêu được xây dựng vào thời Pháp thuộc đầu thế kỷ XX, đặc biệt xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây với những vật liệu đều được mang về từ Pari - thủ đô hoa lệ và một giai thoại lừng lẫy một thời nổi tiếng là công tử Bạc Liêu giàu có, phóng khoáng, lịch lãm nhất lục tỉnh Nam kỳ. Giai thoại về “cậu ba Huy” dường như có sức hút mạnh mẽ hơn khi du khách được chứng kiến sự giàu sang của gia đình ông Hội đồng Trạch (thân sinh của cậu Ba Huy) qua khối kiến trúc đồ sộ của ngôi biệt thự có giá trị thẩm mỹ cao. Những chi tiết bên trong được bảo quản tốt, lưu giữ nguyên vẹn một thời vàng son của vị công tử giàu có đất Bạc Liêu lúc bấy giờ. Bên cạnh khu nhà Công tử Bạc Liêu là nhà huyện Sổn được xây dựng năm 1892, là 1 trong 21 ngôi nhà cổ ở Bạc Liêu hiện nay. Trước mặt ngôi biệt thự, du khách nhìn ra dòng sông Bạc Liêu, trên phố, dưới thuyền, bốn bề lộng gió.
Phủ thờ Cao Triều Phát
Đối diện bờ bên kia sông, là biệt thự cổ của dòng tộc Cao Triều Phát hiện còn đang lưu giữ các đồ vật quý hiếm. Phủ thờ dòng họ CaoTriều Phát là di sản của một con người nổi tiếng. Ngôi nhà do Đốc Phủ sứ Cao Minh Thạnh, thân sinh Cao Triều Phát đứng ra xây dựng vào năm 1914 dưới tên gọi “Cao Gia hương quả”, được xây theo lối kiến trúc phương Bắc, mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên xây tường, khung và mặt trước, mặt sau đều làm bằng gỗ quý, đó là những cây cột gỗ lim, gỗ trắc. Xiên, sạch bằng gỗ quý và chạm hình long, lân, quy, phụng. Các cột được đẽo gọt từ khối có hình lưỡng long tranh châu. Các cửa chính và cửa phụ đều mang nét kiến trúc Trung Hoa, đặc biệt là nội thất bên trong mang dáng dấp kiến trúc của cung đình Huế. Tất cả như là chứng tích của một thời kỳ khẩn hoang hưng thịnh của vùng đất Bạc Liêu trù phú xa xưa. Hiện nay ngôi Phủ thờ là nơi thờ tự một dòng họ danh gia vọng tộc, nơi thờ phượng tổ phụ của một nhân vật lịch sử Việt Nam, đó là nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát.
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Bạc Liêu còn được biết đến là vùng đất giàu nghĩa tình và đậm chất thi ca. Nơi đây từng nuôi dưỡng những bậc danh tài với nhiều tác phẩm văn thơ bất hủ. Tiêu biểu đó là bản “ Dạ cổ hoài lang”, tác phẩm nổi tiếng của nghệ nhân tài danh Cao Văn Lầu – người đã làm rạng rỡ nền cổ nhạc truyền thống dân tộc. Khu lưu niệm Cao Văn Lầu tọa lạc tại phường 5, thành phố Bạc Liêu, đến tham quan khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu để tìm hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của ông và sơ nét về cổ nhạc Bạc Liêu. Du khách sẽ được hướng dẫn viếng mộ nhạc sĩ cùng với mộ vợ ông là bà Trần Thị Tấn, người từng là nhân vật chinh phụ trong tác phẩm “ Dạ cổ hoài lang”. Khu lưu niệm có nhà trưng bày hiện vật, qua đó du khách sẽ được biết quá trình phát triển từ bản “Dạ cổ hoài lang” - bản nhạc “tổ” của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ. Nếu có nhu cầu thưởng thức bản “Dạ cổ hoài lang”, du khách chỉ cần nán lại ít phút để cùng giao lưu với câu lạc bộ đờn ca tài tử ở tại đây. Giọng ca ngọt ngào của từng thành viên câu lạc bộ sẽ chiếm trọn tình cảm du khách bằng những tiếng tơ lòng thổn thức cùng với những bài ca cổ giao duyên đậm chất Bạc liêu. Đờn ca tài tử Bạc Liêu được xem là một loại hình nghệ thuật đặc trưng, là kết quả hội tụ dòng chảy âm nhạc từ nhiều vùng miền khác nhau của Nam bộ. Đến Bạc Liêu nghe giai điệu đờn ca tài tử, thưởng thức nét độc đáo của “Nói thơ Bạc Liêu” mượt mà, sâu lắng… sẽ làm lưu luyến bước chân du khách.
Vườn chim Bạc Liêu
Sau khi đã trãi lòng với người Bạc Liêu qua những cung bậc ngọt ngào của những nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca, du khách sẽ tiếp tục đến chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên đầy hoang sơ vẫn còn lưu giữ ở khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu, thuộc xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, cách trung tâm TP 3km về phía Nam. Với tính đa dạng sinh học, vườn chim Bạc Liêu đã được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên vào năm 1986. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến không khí trong lành giữa thiên nhiên hoang dã của một vườn chim tự nhiên nằm giữa lòng đô thị. Bạc Liêu không xưa lắm, vốn là một mảnh đất với rừng rậm bao la, đồng xanh mênh mông cánh cò, thiên nhiên cứ hiển hiện một cách bình yên, tham quan du lịch Bạc Liêu du khách sẽ được hoà mình thiên nhiên khi đến với vùng bảo tồn thiên nhiên có trên 40 loài chim sinh sống. Vườn chim Bạc Liêu đã giữ lại được một màu xanh hoang dã, giữ lại được nét đặc trưng của thiên nhiên, khi đến với vườn chim Bạc Liêu du khách sẽ được tận hưởng khoảnh khắc thú vị vì đang được “trở về” miền ký ức của một Bạc Liêu trù phú xa xưa. Chiều buông dần, những đàn chim lũ lượt bay về chính là thời khắc chiêm ngưỡng một cách ngoạn mục nhất của du khách.Trước kia, khu bảo tồn này là thảm rừng ngập mặn ven biển với hệ sinh thái ngập mặn tự nhiên rất phong phú và đa dạng. Do sự bồi tụ tự nhiên mà thảm rừng này ngày càng xa biển và chỉ còn sót lại một phần tạo thành vườn chim như hiện nay.
Nhãn “da bò” Bạc Liêu
Nếu du khách đến Bạc Liêu vào mùa nhãn chín, trên cung đường đến với vườn nhãn Bạc Liêu du khách có thể ngắm nhìn cảnh đẹp hai bên đường và tận hưởng không khí trong lành của một không gian xanh xen lẫn hương nhãn chín ngọt ngào. Khi dừng chân tham quan vườn Nhãn cổ ngay tại xã Hiệp Thành, khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở Đồng Bằng sông Cửu Long, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách đến tham quan. Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thành phố Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, ngày trước vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày được đánh giá khá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Vì vậy mà vị ngọt của trái nhãn trồng ở đây rất đặc biệt, cơm dày và có mùi thơm rất đặc trưng. Du khách đến tham quan không chỉ được thưởng thức vị ngọt của nhãn Bạc Liêu mà còn tận hưởng không khí thoáng mát trong lành của khung cảnh yên bình.
Nét kiến trúc độc đáo của chùa Xiêm Cán
Trong chuyến du lịch Bạc Liêu du khách không nên bỏ qua một điểm dừng chân khá thú vị, đó là chùa Xiêm Cán. Một công trình kiến trúc đặc trưng của người Khmer Nam bộ, toạ lạc tại xã Hiệp Thành. Chùa Xiêm Cán được xây dựng vào thế kỷ 20 theo kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Bên trong chánh điện (hay còn gọi là sala) của chùa Xiêm Cán thể hiện tính thẩm mỹ rất cao của người Khmer với những hoa văn độc đáo. Ở vị trí trung tâm trên nóc sala trang trí hình ảnh đền Angkor Wat, nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Người Khmer tu theo thuyết của Phật Thích Ca nhưng theo hướng của Phật giáo Tiểu Thừa nên trong Chánh điện thờ Phật Thích Ca là chính. Một điều đặc biệt nữa là xung quanh 4 bức tường của chánh điện là những bức họa giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, đến lúc làm Thái tử và khi vào cõi Niết bàn. Đối diện chánh điện là cột trụ biểu, là hình tượng của con rắn 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ ngụ ý rằng giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã thuần hóa, hướng thiện.
Lễ hội “Quán âm Nam Hải”
Trong kho tàng lễ hội, có những lễ hội được duy trì và gìn giữ. Bởi đó dịp để mọi người giao lưu, cộng cảm, trao truyền những đạo lý, tình cảm, mỹ tục và khát vọng cao đẹp, chúc phúc, cầu an. Từ đó, mang lại cho con người sự thanh thản nơi tâm linh, gạt bỏ những lo toan thường nhật để về với cội nguồn, với thiên nhiên… Đến với Bạc Liêu – một tỉnh gần cuối cùng của đất nước, dòng hải lưu Bắc – Nam tích tụ phù sa bồi lắng, đã hình thành nên vùng đất màu mỡ, phì nhiêu giáp biển Đông. Bạc Liêu còn là vùng đất của văn hóa tâm linh, là nét đẹp tâm linh tín ngưỡng văn hóa truyền thống dân gian. Du khách xuôi về phường Nhà Mát để thực hiện một chuyến cầu an ngay tại khu phật bà Nam Hải – công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng tại BL. Khu Quán Âm Phật Đài (Phật Bà Nam Hải) nằm trên phường Nhà Mát được xây dựng từ năm 1973, khu Phật Bà Nam Hải là một công trình kiến trúc – văn hóa – tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. Tháng 3 hàng năm đều diễn ra lễ hội Vía Bà, kéo dài trong 3 ngày. Đây là một lễ hội lớn và rất nghiêm trang, thu hút nhiều du khách nhất. Tượng Phật Bà cao 11m, xoay mặt ra biển Đông, trở thành trung tâm giữa đất liền và biển lớn. Bát ngát cây xanh nước mặn bao lấy bờ biển tạo nền cho bức tượng trắng đứng sừng sững trên đài sen hồng. Du khách đến đây sẽ cảm nhận được sự bình yên tỏa lan từ khuôn mặt dịu hiền, phúc hậu của Phật Bà Nam Hải. Không gian của khu du lịch rất thoáng, những luồng gió biển thổi vào luôn làm dịu mát sự mệt mỏi cho du khách đường xa.
Nhà thờ Tắc Sậy
Hành hương đã trở thành một thói quen, trở thành một phần không thể thiếu của đời sống tâm linh người Kitô Hữu. Nhà thờ Tắc Sậy là điểm đến của khách hành hương Công Giáo, cách thành phố Bạc Liêu 37 km về hướng Cà Mau. Họ đạo Tắc Sậy nằm trên Quốc Lộ 1A, qua khỏi thị trấn Hộ Phòng 3km thì đến nhà thờ Tắc Sậy. Hộ Phòng là một thị trấn lớn, thủ phủ của huyện Giá Rai, huyện cuối cùng của tỉnh Bạc Liêu, giáp ranh với tỉnh Cà Mau. Du khách sẽ ngạc nhiên trước cụm kiến trúc uy nghi, đường bệ, nhà thờ Tắc Sậy là nơi an nghỉ của Linh mục Trương Bửu Diệp được nhiều người biết đến với lòng sùng mộ. Nhà thờ Tắc Sậy mang một kiến trúc lạ, độc đáo khá ấn tượng. Nhiều bức tượng gỗ được bày trí theo tinh thần tín ngưỡng Công giáo và các bức tượng ở đây đa số bằng gỗ quý, tác phẩm tượng gỗ Hữu Thạo cao 2,5m được đặt tại nhà thờ Tắc Sậy ngày 24/12/2008 với gỗ nét điêu khắc tinh vi càng khiến cho không khí linh thiêng nơi đây thêm trang trọng. Năm 1997, Giáo Phận Cần Thơ đã chính thức đặt nhà thờ Tắc Sậy thành Trung tâm Truyền giáo Phanxicô của Giáo Phận. Và nhà thờ Tắc Sậy cũng chính là điểm đến hành hương hấp dẫn thu hút đông đảo lượng du khách đến với du lịch văn hóa tâm linh Bạc Liêu.
Để tìm hiểu thêm về nét văn hóa độc đáo của cư dân vùng biển, du khách hãy đến với biển Gành Hào – vùng đất mặn mòi này sẵn sàng rộng mở chào đón bằng chính nét duyên ngầm của một vùng quê miền biển, mãnh đất giàu tình người này sẽ in dấu trong ký ức về những đổi thay của vùng đất nổi tiếng về truyền thống cách mạng.
Với đặc thù là vùng đất có tiềm năng về phát triển du lịch, Đông Hải trở thành một trong những điểm dừng khá thú vị cho du khách khắp nơi. Gành Hào sở hữu một lực lượng tàu thuyền khá hùng hậu, tạo nên sự sung túc cần có của một vùng cửa biển. Được sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cùng với đôi bàn tay và khối ốc của con người, biển Gành hào đã được khai thác tối ưu hơn khi nổi tiếng là địa phương có nghề làm muối truyền thống lâu đời. Muối ở Đông Hải đặc biệt chỉ làm vào mùa nắng gắt, bắt đầu vào từ tháng 11cho đến tháng 2, tháng 3 năm sau. Những ruộng muối được cải tạo công phu, nền thật dẽ và lán bóng để đón luồng nước mặn từ biển đổ vào, rồi nhờ cái nắng chói chang của đất trời kết tạo nên những hạt muối trắng tinh. Chất mặn của muối - vị mặn của giọt mồ hôi làm cho cuộc sống con người trở nên đậm đà hơn. Ngư dân ở Gành Hào tín ngưỡng thờ cá Ông. Lăng ông ở Gành Hào hiện nay nằm gần đường vào thị trấn và đường ra đê biển. Tại miếu thờ hiện nay nhiều cốt xương (sọ đầu) cá Ông, chín xương sườn và khoảng mười đốt xương sống. Theo lời những người sống lâu năm nơi đây, những bộ xương này chí ít cũng có khoảng 100 năm tuổi. Lễ hội nghinh Ông ở Gành Hào được tổ chức vào ngày 09 -10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Lễ hội như một nét đẹp văn hoá tín ngưỡng của những người lao động chân chất. Đây cũng là truyền thống cao quí của người Việt Nam về đạo lý tri ân.
Du lịch là đi để vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng là việc thực hiện chuyến đi khỏi nơi cư trú, có tiêu tiền, lưu trú qua đêm thì du lịch là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư. Vì vậy du khách luôn muốn được hưởng những dịch vụ tốt và an toàn nhất trong hành trình du lịch.
Khách sạn Bạc Liêu
Đến Bạc Liêu, hệ thống nhà hàng khách sạn mang đậm nét đặc trưng cùng đất Tây Nam bộ, phong cách dân dã, giản dị nhưng lịch thiệp văn minh chắc chắn sẽ mang đến cho du khách sự thoải mái, dễ chịu như cảm giác được “trở về nhà”. Khách sạn Bạc Liêu đạt tiêu chuẩn 3 sao, nằm ngay trung tâm thành phố, rất thuận tiện trong việc đi lại, tham quan và mua sắm. Tọa lạc ngay vị trí trung tâm số 4 – 6, đường Hoàng Văn Thụ, phường 3, thành phố Bạc Liêu (ĐT: 07813.959697 – http://baclieuhotel.com).Khách sạn có 100 phòng nghỉ đạt chuẩn, tất cả các phòng được thiết kế sang trọng, cùng với trang thiết bị hiện đại, du khách sẽ được cung cấp những dịch vụ tốt nhất, hoàn hảo nhất của đội ngũ quản lý và nhân viên chuyên nghiệp giàu kinh nghiệm, năng động và sáng tạo. Đặc biệt hơn, nhà hàng có phục vụ các món ăn đậm đà bản sắc ẩm thực miền Tây cùng với đội ngũ nhân viên phục vụ, lễ tân năng động và lịch thiệp trong giao tiếp cũng như cung cách phục vụ sẽ làm hài lòng du khách.
Khu du lịch sinh thái Hồ Nam
Nếu du khách muốn tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát hãy đến vớiKhu du lịch sinh thái Hồ Nam, tọa lạc tại phường 1, thành phố Bạc Liêu vào hoạt động. Đây là khu du lịch sinh thái đầu tiên được hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục và có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh với diện tích lên đến 20ha, tổng kinh phí dự toán 100 tỷ đồng. Toàn bộ khu du lịch sinh thái được thiết kế đồng bộ với khu nghỉ dưỡng đã đưa vào sử dụng 56 phòng, trong đó nổi bật nhất là khu resort Xuân - Hạ - Thu – Đông theo tiêu chuẩn 5 sao. “Khu du lịch sinh thái Hồ Nam” tạo ra một góc nhìn mới cho du khách, kéo chân du khách về Bạc Liêu nhiều hơn và quyến luyến hơn khi rời xa nơi này ! Và chắc chắn rằng du khách sẽ còn ấn tượng hơn khi được tận mắt ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên bình yên, thơ mộng bên bờ hồ lộng gió và thưởng thức các món ân độc đáo trong khu ẩm thực Bình Xuyên với 800 món ăn từ dân dã, ẩm thực mang phong cách Việt Nam, đến một số món ăn đặc sản trên thế giới (như cá phi hấp hèm, gà nấu quế cay, tôm hùm Alaska, vịt quay Bắc Kinh…). Đặc biệt, còn có một “menu” với những món ăn đặc thù của Bạc Liêu như: tôm chiên bột, nước mắm bần, ba khía muối… Ngoài ra còn có khu vui chơi dành cho trẻ em với những trò chơi cỡi trâu trên đồng cỏ, xích đu, câu cá, cầu tuột, khu hồ bơi được thiết kế hiện đại hoàn toàn miễn phí cho khách đến tham quan, thưởng thức.
Ngoài ra, Bạc Liêu còn có rất nhiều sự chọn lựa cho du khách với chuỗi nhà hàng - khách sạn nghỉ dưỡng giá cả hợp lý và cung cách phục vụ tận tình, chuyên nghiệp như: khách sạn Hải Hồ, số 103 Quốc lộ 1A, thành phố Bạc Liêu (ĐT(84-781) 3952026) 25 phòng; Khách sạn Á Đông 22/8 Quốc lộ 1A, thành phố Bạc Liêu(ĐT(84-781) 395 2099) 11 phòng ; Khách sạn Ánh Hồng 91A Quốc lộ 1A, thành phố Bạc Liêu, (ĐT(84-781) 395 1699) 18 phòng; Khách sạn Bạch Hồng 137 Quốc lộ 1A, phường 7, thành phố Bạc Liêu (ĐT(84-781) 382 3559) 27 phòng; Khách sạn Hoàng Cung 1B/5 Trần Phú, phường 7, thành phố Bạc Liêu (ĐT(84-781) 382 3362) 19 phòng; Khách sạn Thanh Thảo 50/8 Quốc lộ 1A, thành phố Bạc Liêu (ĐT(84-781) 382 5620) 35 phòng; Khách sạn Trường Giang Khu Nam Hành Chính, xã Châu Hưng, thành phố Bạc Liêu (ĐT(84-781) 382 9328) 17 phòng.
Chứng kiến sự đổi thay của Bạc Liêu - một thành phố trẻ, du khách sẽ không khỏi bất ngờ ! Mới hôm nào, nơi đây chỉ là một thị xã nhỏ với các quán cóc ven đường cùng vài thú tiêu khiển sơ sà. Vậy mà hiện tại, Bạc Liêu đã trở thành một “Điểm hẹn văn hóa” phát triển mạnh về du lịch nhưng vẫn giữ được bản chất đúng như tên gọi vùng đất nghĩa tình. Bên cạnh việc Bạc Liêu xác định văn hoá chính là điểm mạnh của du lịch, thì tính hiền hòa, sự hiếu khách, tấm lòng hào phóng, nhân hậu, trọng nghĩa tình của người Bạc Liêu là những điểm nhấn được du khách và bạn bè gần xa đánh giá cao, đưa du lịch Bạc Liêu trở thành điểm đến hấp dẫn khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Đậm nghĩa tình, văn minh trong ứng xử, lịch thiệp trong giao tiếp… là những ngôn từ đẹp, là tình cảm, cái nhìn thân thiện, yêu mến của bạn bè, du khách gần xa khi đã một lần đến Bạc Liêu - vùng đất giàu truyền thống, lịch sử, văn hóa này. Ứng xử lành mạnh, cởi mở, thân thiện và lịch thiệp trong văn hóa du lịch là yếu tố quan trọng để hấp dẫn và thu hút du khách, điều này được thể hiện rõ nét qua các điểm bán quà lưu niệm du lịch Bạc Liêu, du khách có thể mang về những bức tranh, cái nón trầm… là những sản phẩm có được từ sự miệt mài, sáng tạo của người Bạc Liêu, ngoài ra còn có rất nhiều đặc sản du khách có thể mang về làm quà biếu, nếu chọn các loại sản phẩm khô chất lượng cao được đóng gói cẩn thận du khách hãy ghé qua cửa hàng khô Tứ Hải tọa lạc ngay phía trước khách sạn Bạc Liêu, số 4-6 Hoàng Văn Thụ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Nắm cá rô không xương hay dưa bồn bồn đất Bạc và Ba khía – “món ăn mùi nhớ”… du khách có thể tìm mua dễ dàng trong khu chợ Trần Huỳnh, phường 7, thành phố Bạc Liêu. Để có được những món quà đặc trưng vùng miền có ý nghĩa khi tặng người thân, bạn bè để làm kỷ niệm, du khách hãy ghé qua nhà sách Trần Phú, đường Trần Phú, phường 7, thành phố Bạc Liêu.
Đi du lịch, tham quan thì ngoài việc muốn hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của danh lam, thắng cảnh hay khám phá và tìm hiểu các di tích, du khách còn muốn được “chiêm ngưỡng” nét đẹp văn hóa đặc trưng ở các điểm đến, có thể điểm đến đó còn nghèo nhưng không thể “nghèo” văn hóa, không thể thiếu lịch sự, không thể thiếu văn minh. Đó có thể được xem là “tài sản” làm cho văn hóa Bạc Liêu trở nên “giàu có” khi ý thức của người dân đã được nâng lên. Giữ gìn nét riêng trong ứng xử, trong giao tiếp với khách du lịch cũng như giá trị đích thực của việc xây dựng hình ảnh và lối ứng xử có văn hóa, thái độ phục vụ cởi mở, thân thiện, chu đáo luôn tạo được hình ảnh đẹp về đất và người Bạc Liêu, để vùng đất này tự hào là một “Điểm hẹn văn hóa”, vùng đất có chiều sâu lịch sử khẩn hoang của cư dân bản địa, vẻ đẹp thiên nhiên từ những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, những ruộng muối sáng lấp lánh và vẻ thanh bình, hoang sơ vẫn còn ẩn chứa trong nhịp sống hiện đại bên những tòa nhà cao ngất ngưỡng… Đó chính là những nét quyến rũ bước chân du khách gần xa!
Hiếu Nghĩanguồn: http://svhttdl.baclieu.gov.vn/
...
...
==========================
đăng bởi: BạcLiêuGroup'90
==========================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có thể nhận xét phía ô trên, NÊN đăng nhập tên nhé! nếu không bạn chọn "ẩn danh" nhưng lưu ý NÊN gõ tên người nhận xét để người khác tiện theo dõi, người nhận xét tự chịu trách nhiệm với nội dung của mình, nhận xét có thể bị xoá nếu không phù hợp./.