20.11.10

Hồn quê và tình người trong những ca khúc viết về Bạc Liêu

<sưu tầm trên blog của anh/chú Ngô Tuấn>
http://my.opera.com/ngotuan/blog/show.dml/1617574
+++++++++++++++++
>>> hôm nay tìm được bài “Bạc Liêu quê tôi” của Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Hoàng Bửu, bài này nhiều bạn có yêu cầu nên mình up lên cho các bạn nghe & nhớ lại nhé...
các bạn nghe thử: (nhớ bấm play nhé)

download ở đây nhé:
BacLieuquetoi-HoangBuu-DTH.mp3

Những ca khúc viết về Bạc Liêu tuy số lượng chưa lớn, nhưng đã nói lên tình cảm và tâm hồn của người sáng tác đối với con người và quê hương Bạc Liêu. Ngoài những nhạc sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Hoàng Bửu, Thanh Sơn, Thanh Trúc, Vũ Đức Sao Biển, Thế Phương, Thanh Tâm, Lê Lương… với những ca khúc viết về tình đất - tình người Bạc Liêu đã được công chúng thẩm định qua dòng chảy của thời gian, gần đây xuất hiện thêm nhiều tác giả và tác phẩm mới. Những ca khúc với nội dung, phong cách, sắc thái khác nhau đã điểm tô thêm diện mạo của một Bạc Liêu chan chứa tình người và tràn đầy nhựa sống.

Trước hết, xin nói về ca khúc được chọn làm nhạc hiệu cho Đài phát thanh Bạc Liêu, đó là “Bạc Liêu quê tôi” của Nghệ sĩ ưu tú - nhạc sĩ Hoàng Bửu. Ca khúc này được nhạc sĩ viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhưng đến nay vẫn khẳng định sức sống, giá trị nghệ thuật.

“Bạc Liêu quê tôi” được nhạc sĩ Hoàng Bửu sáng tác vào năm 1972 khi anh ở đoàn văn công giải phóng. Chứng kiến hình ảnh quê hương với nhà cửa, ruộng đồng bị bom đạn giặc tàn phá, những người dân hiền lành tuy chịu nhiều khổ đau nhưng vẫn dũng cảm, kiên trung đánh giặc giữ làng, giữ đất, anh đã cảm xúc viết lên ca khúc này. “Bạc Liêu quê tôi” với giai điệu mạnh mẽ, tràn đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai ngời sáng của dân tộc.
Còn ca khúc “Bạc Liêu ơi!” của nhạc sĩ Thanh Tâm viết vào năm đầu khi Bạc Liêu được tái lập (1997), sau đó bài hát này được chọn làm nhạc hiệu Đài truyền hình Bạc Liêu. Với giai điệu trầm tư, thiết tha và sâu lắng, qua một vài nét chấm phá, đất và người Bạc Liêu được thể hiện sinh động qua lời ca: Dạ cổ hoài lang - câu hát mong chờ; đồng ruộng bao la mỏi cánh chim bay; vườn nhãn xum xuê bông trái và những công trình, những ngôi nhà đang được dựng xây… Ca khúc như lời tâm tình, nói lời trìu mến của con người đối với vùng đất trải rộng yêu thương, chở nặng phù sa, dạt dào sóng vỗ, và vì vậy nên “Bạc Liêu ơi, dù đi xa vẫn nhớ trọn đời!”.
Hai tác phẩm trên tuy cùng viết về đề tài đất nước, con người, miêu tả về tình đất - tình người Bạc Liêu nhưng lại có khoảng cách sáng tác gần ¼ thế kỷ, vì thế nội dung biểu đạt và ngôn ngữ âm nhạc của hai tác phẩm giúp người nghe hiểu được thời điểm, giai đoạn lịch sử với những sự kiện diễn ra trên quê hương. Điểm chung của hai ca khúc là đã xây dựng được hình tượng âm nhạc đặc sắc, gây được hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật, tạo được xúc cảm và ấn tượng cho người thưởng thức âm nhạc về một miền đất rất đỗi thân thương.
Một số ca khúc viết về Bạc Liêu của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca Nam bộ với giai điệu trầm buồn man mác, chan chứa hồn quê… như “Điệu buồn phương Nam” với ca từ đẹp, mang tính triết lý, chiêm nghiệm về thân phận con người (… Con sáo sang sông/ Sáo đã xổ lồng/ Bay về Bạc Liêu con sáo bay theo phương người…). Hoặc “Trở lại Bạc Liêu” (… Bạc Liêu/ Miền đất phương Nam/ Gói trọn tấm lòng thủy chung…), và “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang” (… Dưới trăng dòng sông Gành Hào ơi/ Nửa đêm ai hát nên câu Hoài lang…) với những tình cảm lắng đọng của một người đã từng ở Bạc Liêu với nhiều kỷ niệm gắn bó sâu sắc. Đặc biệt là bài “Dạ cổ hoài lang” (bản cổ nhạc của nhạc sĩ Cao văn Lầu) đã được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ký âm (chuyển qua ký hiệu âm nhạc hiện đại - tân nhạc), từ đó mức độ phổ biến của bài “Dạ cổ hoài lang” ngày càng tăng, tác phẩm dân ca tiêu biểu cho Nam bộ này ngày càng đến gần hơn với công chúng yêu âm nhạc (cả tân nhạc và cổ nhạc). Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, cả nước biết đến Bạc Liêu, một - là vì đây là miền đất phát tích của điệu “Dạ cổ hoài lang” do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác, và hai - là vì những giai thoại của Công tử Bạc Liêu. Anh cho rằng “Dạ cổ hoài lang” là hồn tính lãng mạn của phương Nam và xin ký âm lại tác phẩm quý giá này.
Một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc mang âm điệu dân ca được nhiều người biết đến là nhạc sĩ Thanh Sơn. Đối với anh, Bạc Liêu là nơi có rất nhiều kỷ niệm (quê nội anh ở Sóc Trăng). Với “Hoài cổ”, anh đã nói lên tình cảm của mình với Bạc Liêu khi: “Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu, như sống lại hồn Cao văn Lầu”, cùng với nỗi nhớ nhung khi xa Bạc Liêu. Những giai thoại về Công tử Bạc Liêu được miêu tả trong ca khúc cũng đã thể hiện một phần nào tính cách hào sảng, phóng khoáng, hiếu khách của con người Bạc Liêu. Với giai điệu mượt mà, vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca, bên cạnh đó, ca từ mang tính dân dã nhưng sâu sắc và duyên dáng, nên tác phẩm đã được công chúng yêu mến và đã đi vào lòng người. Gần đây, bài “Yêu cô gái Bạc Liêu” do anh sáng tác và đã được phổ biến tương đối rộng rãi. Ca khúc này đang khẳng định sức sống theo quy luật sàng lọc khắt khe của đời sống.
Ngược thời gian, vào trước những năm 1975, ca khúc “Đẹp Bạc Liêu” (cung si thứ) của nhạc sĩ Anh Việt Thu và Anh Thế Quế, được xuất bản và phát hành năm 1959 ở miền Nam (nhà xuất bản Tinh Hoa miền Nam - Sài Gòn ấn hành). Ca khúc là lời tự tình với quê hương, tôn vinh vẻ đẹp lao động của con người, tô điểm cảnh vật thiên nhiên, nâng niu những sản vật gắn với cuộc sống bình dị của người dân quê cùng nói lên những tình cảm nhẹ nhàng của đôi lứa (… Về Bạc Liêu đất quê mình thương yêu…/ Đẹp Bạc Liêu nắng tô vàng muôn nơi… Bạc Liêu ơi, hỡi Bạc Liêu!...).
Còn nhạc sĩ Thế Phương với tâm tình của người con đất Bạc Liêu, đã viết rất nhiều ca khúc về Bạc Liêu như: “Về đất Bạc Liêu”, “Bạc Liêu miền đất tôi yêu”, “Miền đất tôi yêu”, “Khúc hát đường dây”… và nhiều ca khúc viết về tình đất tình người Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải… Chùm ca khúc này với đề tài đa dạng, giai điệu phong phú, truyền cảm, ca từ trong sáng, nhưng tựu trung vẫn là nói lên nỗi nhớ thương con người đối với quê hương. Những ca khúc này đã toát lên tình yêu chân thành của một con người đã từng sống chết với quê hương trong chiến tranh và mong ước được góp bàn tay xây dựng quê nhà.
“Lời ca trên cầu Kim Sơn”, “Biết bao lần cô thấy trăng lên” là hai trong nhiều tác phẩm viết về Bạc Liêu của nhạc sĩ Lê Lương. Với cách viết giàu hình tượng, nhạc sĩ Lê Lương đã đem đến cho người nghe những xúc cảm mới. Và mặc dù, nhạc sĩ Thanh Trúc đã vĩnh biệt cõi đời, nhưng ca khúc “Vĩnh Lợi quê em” vẫn còn sống trong lòng những người dân quê. Ca khúc mô phỏng theo âm điệu dân ca đầy chất trữ tình đã thay cho lời nhạc sĩ nói lên tình cảm con người gắn bó với một miền quê trong cuộc sống và lao động sản xuất.
Ngoài những bài hát viết về Bạc Liêu trong thời gian qua được phổ biến rộng rãi, vẫn còn một số lượng rất lớn ca khúc chưa được đến với công chúng, mặc dù đã đoạt những giải thưởng ở các cuộc thi do tỉnh tổ chức. Tác giả của những ca khúc này đang tham gia sinh hoạt ở Chi hội âm nhạc (Hội VH-NT Bạc Liêu) hoặc các câu lạc bộ âm nhạc trong tỉnh.
Có thể nhắc đến tác giả Thanh Vũ (Trung tâm VH-TT tỉnh) với nhiều ca khúc viết về Bạc Liêu. Chùm ca khúc “Ngày mới Bạc Liêu”, “Mùa xuân trên những công trình” miêu tả về sự thay đổi, lớn lên từng ngày của quê hương; “Nhịp sống quê tôi” với nhip điệu sôi nổi thể hiện sự lao động, sáng tạo và vươn lên của nhân dân Bạc Liêu; và “Nỗi nhớ” với tình cảm dâng trào khi nghe điệu bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao văn Lầu. Với “Bạc Liêu mãi trong tôi”, “Bạc Liêu những công trình”, “Diệp Phác Văn (Trung tâm VH-TT TX. Bạc Liêu) đã phác họa hình ảnh một Bạc Liêu tươi đẹp qua những khúc ngợi ca quê hương. Phạm Quế Nguyên có “Nhớ Bạc Liêu”, “Về Bạc Liêu”, “Chiều Bạc Liêu” với giai điệu ngọt ngào, chan chứa tình quê.
“Về Bạc Liêu” (một trong 40 ca khúc) của Ngô Tuấn (thơ Phù Sa Lộc) lại diễn đạt một khía cạnh khác. Ca khúc này là một chuyện tình với những kỷ niệm về Bạc Liêu. Về Bạc Liêu “bạn bè ly rượu cay đưa cay, ấm câu nhân nghĩa” nhưng buồn vì vắng… em. Và “Về Bạc Liêu để nhớ thêm, về Bạc Liêu để nhớ hoài”. Giai điệu ca khúc ngọt ngào, mang đậm chất trữ tình. Tiến sĩ Trần Thuận, lại sáng tác theo khuynh hướng lồng ghép mẹ và quê hương, anh tỏ lòng biết ơn những người mẹ sinh thành và người mẹ quê hương đã ấp yêu, nuôi dưỡng, như ca khúc “Mẹ” trong thời gian gần đây. Còn tác giả Tăng Ái Việt (Khánh Hùng) đã có rất nhiều bài về Bạc Liêu. Từ “Đông Hải mang tình em”, “Chiều quê em”, “Tình quê”, “Bạc Liêu quê em”, “Quê biển”… đã nói lên lòng biết ơn của anh đối với con người và vùng đất mình đang sống. Phần lớn giai điệu của những ca khúc này mượt mà, truyền cảm, dễ đi vào lòng người.
Cũng về đề tài quê hương, tác giả Nguyễn Hồng với “Khúc hát về Bạc Liêu”, “Bạc Liêu khi xuân về” đã ngân lên giai điệu diễn tả nỗi nhớ quê nhà khi đi xa, khắc họa những tình cảm của một người con Bạc Liêu đối với nơi chôn nhau cắt rún của mình; “Khúc ca ba dân tộc” lại nói lên sự cộng cư và tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sống trên mảnh đất Bạc Liêu. Thanh Hoàng với “Em gái Bạc Liêu” (thơ Lâm Tẻn Cuôi) tô điểm vẻ đẹp những nữ sinh với mái tóc thề - áo dài trắng thướt tha trên phố chiều Bạc Liêu với nét ngây thơ, hồn nhiên và lãng mạn đáng yêu của tuổi học trò. Với giai điệu dễ thương, trẻ trung, ca khúc gợi cho người nghe những cảm xúc về một thời tuổi trẻ với những kỷ niệm khó quên. Còn tác giả Ngọc Oai lại hướng ra… biển với “Bản tình ca ra khơi”. Giai điệu như hòa ca cùng sóng biển để ca ngợi những người ra khơi đánh bắt sản vật cho quê hương với bao nhiêu vất vả, hiểm nguy. Đặc biệt là hai tác giả trẻ Quốc Trí, Ngọc Mai đã có những ca khúc khá hay truyền cảm. “Mái trường mến yêu” của Quốc Trí với những kỷ niệm dấu yêu của tuổi học trò; còn “Bao la tình mẹ” của Ngọc Mai đã tạo cho người những cảm xúc sâu sắc về người mẹ.
Ca khúc gần đây nhất là “Hãy đến với Bạc Liêu quê tôi” của tác giả Vũ Đức Quân (Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác ca khúc). Đây là bài hát mở đầu trong chương trình đêm văn nghệ giới thiệu 10 tác giả - tác phẩm câu lạc bộ sáng tác ca khúc do Trung tâm VH-TT tỉnh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh. Ca khúc đã phác họa một bức tranh toàn cảnh về Bạc Liêu trong thời kỳ đổi mới, với lời mời gọi chân tình những người khách đến Bạc Liêu. Với nhịp đi vừa phải, truyền cảm, bài hát này đã tạo cho người nghe những cảm xúc nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.
Ngoài ra, các ca khúc như “Nhớ Bạc Liêu” của tác giả Lâm Thành Liêm, “Hồn quê” của Lý Dũng Liêm, “Tôi yêu người lắm Bạc Liêu ơi!” của tác giả Quốc Nam, “Nhớ Bạc Liêu” của Trần Minh Luân, “Bạc Liêu ơi tình yêu của tôi!” của tác giả Mặc Tuân, “Thương lắm Bạc Liêu” của nhạc sĩ Phố Thu, “Nhớ về Bạc Liêu” của tác giả Huỳnh Anh Dũng… đã đoạt giải qua những cuộc thi sáng tác của tỉnh tổ chức đều viết với chủ đề về tình yêu quê hương, ngợi ca cuộc sống và đã được dàn dựng phổ biến…
Thay lời kết
Nhiều nhạc sĩ cho rằng, những ca khúc viết về tình đất - tình người ở một địa phương (hay còn gọi là tỉnh ca) rất khó thành công. Nhưng với những ca khúc đã được giới thiệu trên đây đã chứng minh điều ngược lại. Bạc Liêu tuy là một vùng đất mới nhưng với những nét đặc thù rất riêng và được mệnh danh là vùng đất của thi ca, vì vậy, người viết rất mong sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay viết về Bạc Liêu, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của những người dân ở miền đất chan chứa tình người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể nhận xét phía ô trên, NÊN đăng nhập tên nhé! nếu không bạn chọn "ẩn danh" nhưng lưu ý NÊN gõ tên người nhận xét để người khác tiện theo dõi, người nhận xét tự chịu trách nhiệm với nội dung của mình, nhận xét có thể bị xoá nếu không phù hợp./.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...